Doanh nghiệp ‘rỉ máu’ nhân sự vì không đầu tư nâng cao trải nghiệm nhân viên
(DNTO) - Không chỉ là tiền lương hay chế độ phúc lợi, chính những trải nghiệm hàng ngày như cơ sở vật chất làm việc, văn hóa học tập, niềm tin với lãnh đạo… là điều doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư để giữ chân nhân sự.
Doanh nghiệp Việt còn thờ ơ với trải nghiệm nhân viên
Theo các chuyên gia, trải nghiệm nhân sự - Employee Experience (EX)) là những khoảnh khắc, tương tác, điểm chạm giữa nhân viên và công ty trong cả quá trình làm việc của họ. Trải nghiệm nhân sự thể hiện ở một số điểm như trải nghiệm quá trình tuyển dụng; trải nghiệm làm việc an toàn, ổn định; trải nghiệm công việc có ý nghĩa; trải nghiệm môi trường quản lý, trải nghiệm về lãnh đạo doanh nghiệp...
Khảo sát của Học viện Công nghệ Massachusetts và IBM năm 2016 cho thấy, doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên tốt sẽ có mức lợi nhuận cao hơn 25%, nhận được gấp đôi sự hài lòng của khách hàng và tỉ lệ nhân sự có ý định nghỉ việc thấp hơn so với các doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên kém.
Trên thế giới, đầu tư để nâng cao trải nghiệm nhân sự được nhiều doanh nghiệp quan tâm, tuy nhiên, câu chuyện này ở Việt Nam hiện vẫn chưa được doanh nghiệp Việt xem xét thấu đáo.
Khảo sát 800 nhân viên và 150 cán bộ quản trị nhân sự, nhà quản lý trong doanh nghiệp Việt của AChekin cho thấy, 60% cán bộ nhân sự đã nghiên cứu và tìm hiểu về trải nghiệm nhân viên, 86% hiểu rằng trải nghiệm tăng hiệu quả làm việc của nhân viên.
Tuy nhiên việc đã tìm hiểu về trải nghiệm nhân sự dường như không đi kèm cùng hành động. Cũng theo khảo sát của Achekin, hiện trải nghiệm nhân viên tại các doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức 68% và có tới 48% nhà quản lý chỉ thực hiện khảo sát lấy ý kiến nhân viên 1 lần/năm, thậm chí ít hơn.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt chưa thực sự lắng nghe nhân viên và đặt trải nghiệm nhân viên là lựa chọn quan trọng trong chiến lược phát triển nhân sự, chiến lược phát triển kinh doanh”, ông Bùi Quý Phong, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Giám Đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO) chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thúy Quỳnh, chuyên gia khai vấn lãnh đạo, Giám đốc Truyền thông Navigas Group Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã quan tâm đến trải nghiệm nhân viên (EX), tuy nhiên chưa chú trọng đưa hợp phần này vào chương trình xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, đồng thời, chưa có nhân sự chuyên biệt, đủ kiến thức và kĩ năng để làm EX.
Đừng coi đầu tư cho trải nghiệm nhân viên là chi phí
Các chuyên gia cũng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi rằng, phải đầu tư bao nhiêu tiền cho một nhân viên để người đó có trải nghiệm tích cực. Liệu nhân viên đó có làm ra đủ lợi nhuận để doanh nghiệp có đủ chi phí làm trải nghiệm nhân sự hay không.
Để làm rõ hơn về điều này, bà Dương Thúy Quỳnh đưa ví dụ về áp dụng trải nghiệm nhân sự tại GSK – công ty dược phẩm lớn nhất tại Vương Quốc Anh. Cụ thể, GSK thành lập riêng trung tâm để tập trung khai vấn, nâng cao trải nghiệm nhân sự. Năm 2016, GSK đo được hiệu suất sau đầu tư (ROI) là 66 triệu USD, sau tính toán cụ thể các khoản chi phí doanh nghiệp mất đi nếu nhân viên rời bỏ công ty và chi phí doanh nghiệp có thể đạt được khi giữ chân nhân tài.
Ông Phạm Công Trình, Giám đốc Công nghệ công ty Cổ phần Vua Nệm cho biết, trong hoạt động doanh nghiệp, 2 khoản chi không được liệt vào chi phí mà phải coi đó là khoản đầu tư, đó là chi cho khách hàng và chi cho nhân viên.
Về câu chuyện thực tế tại Vua Nệm, ông Phạm Công Trình cho hay, các lãnh đạo của Vua Nệm ý thức rất rõ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công sẽ tạo nên mô hình kinh doanh thành công và coi đây là vũ khí để cạnh tranh với đối thủ trên thịt trường.
“Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa, không có đúng hay sai, chỉ là doanh nghiệp có muốn gọi tên nó ra, có muốn tập trung phát triển nó hay không. Vì nếu dùng chiến lược về giá, marketing… đều có thể bị đối thủ sao chép. Tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp không ai có thể sao chép vì nó liên quan đến yếu tố con người”, ông Trình nêu quan điểm.
Theo bà Dương Thúy Quỳnh, để doanh nghiệp có thể làm trải nghiệm nhân sự thành công, việc thay đổi nhận thức và ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng, bởi chính họ là người hiểu được nỗi đau liên quan đến việc mất nhân sự, khiến doanh thu giảm sút.
“Nếu nhân sự trong doanh nghiệp thường xuyên ‘đi ra đi vào’ hay tỉ lệ nghỉ việc cao bất thường sẽ khiến thương hiệu tuyển dụng xấu đi, khó có thể thu hút và giữ chân được nhân tài”, bà Quỳnh cho biết.
Còn theo ông Bùi Quý Phong, câu chuyện xây dựng trải nghiệm nhân sự hay rộng hơn là văn hóa doanh nghiệp yêu cầu tầm nhìn dài hạn, không thể “sáng gieo, chiều gặt, tối ăn ngay”.
“Ở góc độ marketing thương hiệu, việc xây dựng trải nghiệm thương hiệu đang trở thành xu thế và doanh nghiệp phải xác định chiến lược dài hơi, bởi dù có marketing, truyền thông bằng nhiều lời nói hoa mỹ cũng không thể bằng những trải nghiệm đọng lại”, ông Phong cho hay.