Tạo sự khác biệt về sản phẩm có phải cách giúp doanh nghiệp cạnh tranh bền vững?
(DNTO) - Theo chuyên gia, để cạnh tranh với đối thủ, doanh nghiệp cần tạo ra lợi điểm bán hàng bền vững, thay vì chỉ tập trung để tạo sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ.
Ông Simon Bùi Cao Sơn, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp tại Sota Coach cho biết, để cạnh tranh với các đối thủ và tồn tại trên thị trường, đa phần các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt về sản phẩm hay tìm cách đi vào các thị trường ngách.
Theo ông Sơn, đây là quan điểm đúng và cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp, tuy nhiên nếu chỉ chú trọng tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Bởi trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, việc cạnh tranh của các doanh nghiệp càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi đối thủ có thể dùng công nghệ để sao chép ý tưởng hoặc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn để cải tiến sản phẩm tốt hơn.
Dẫn chứng về điều này, ông Bùi Cao Sơn nêu ví dụ về một doanh nghiệp kinh doanh phụ kiện ngành rèm từng đứng hàng đầu miền Bắc cách đây chục năm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này khó có thể tìm ra lợi thế bán hàng để cạnh tranh trên thị trường.
Bởi trước đây, khi doanh nghiệp này ra mẫu sản phẩm mới, phải 6-12 tháng sau đối thủ các bên mới có thể sao chép. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm chỉ ra mắt từ 1-2 tháng đã bị đối thủ đặt hàng nước khác để làm giả.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, để cạnh tranh và tồn tại bền vững trên thị trường doanh nghiệp cần thiết lập cho riêng mình những lợi điểm bán hàng. Theo đó, lợi điểm bán hàng chính là giá trị cốt lõi của doanh nghệp và được kết hợp từ 3 nhân tố: people (nhân lực trong doanh nghiệp) – product (sản phẩm của doanh nghiệp) – process (quy trình tạo ra sản phẩm).
“Bán hàng là bán niềm tin. Niềm tin của khách hàng tạo ra từ những cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp về những giá trị sản phẩm. Từng nhân sự đều phải được đào tạo liên tục để hiểu đúng giá trị sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và thực hiện đúng những cam kết với khách hàng, lúc đó sẽ tạo ra lợi điểm bán hàng”, ông Sơn cho biết.
Lý giải rõ hơn về quan điểm này, ông Sơn nêu ví dụ về sự thành công của thương hiệu bánh pizza Domino's. Tại Domino's, họ cam kết với khách hàng rằng bánh pizza được giao tận nhà trong 30 phút, đảm bảo nóng giòn, thơm ngon.
Vì vậy, Domino's đã phải tạo ra hệ thống, quy trình đảm bảo giao đúng sản phẩm như đã cam kết với khách hàng, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, đào tạo nhân viên cách nướng bánh, đóng gói bảo quản và giao hàng…
Trong quy trình này, Domino's phải thiết lập quy chế để từng nhân sự ở mỗi khâu có thể đảm bảo cam kết của họ với khách hàng. Đó chính là lợi điểm bán hàng của Domino's, và nhờ đó, thương hiệu này được định giá 1 tỷ USD.
“Các nhân viên đều là bản sao của ông chủ. Vì vậy chính người chủ doanh nghiệp cần tin vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và triển khai xuống toàn thể nhân viên, để mỗi người nhân viên đều tin vào giá trị đó, làm đúng giá trị đó, sau đó mới có thể trao cho khách hàng”, ông Bùi Cao Sơn nhấn mạnh.