Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đừng ‘phớt lờ’ ý kiến của nhân viên
(DNTO) - Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp không chỉ đến từ việc phát minh sản phẩm, công nghệ mới, mà đến từ những ý tưởng, ngay các nhân viên cấp thấp, nhằm thay đổi cách vận hành doanh nghiệp.
Doanh nghiệp còn thờ ơ với đổi mới sáng tạo.
Trao đổi trong tọa đàm về đổi mới sáng tạo, sáng hôm nay (31/10), ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, đổi mới sáng tạo hiện nay là một động lực quan trọng để các doanh nghiệp phát triển, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm đảo lộn toàn bộ chuỗi cung ứng truyền thống.
Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cũng cho biết, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện chưa phải là động lực nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như doanh nghiệp. Năng suất lao động ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2019, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1.6% của Singapore; bằng 9,5% so với Malaysia; 37.6% so với Thái Lan và 45.6% so với Indonesia.
Bên cạnh đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang được hình thành và chưa đồng bộ; doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Theo báo cao về năng lực cạnh tranh của diễn đàn kinh tế thế giới 2019, Việt Nam chỉ đứng 71/141 nền kinh tế thế giới về năng lực đổi mới sáng tạo.
Theo nghiên cứu của Bộ Khoa học Công nghệ 2018, có tới 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng không có đổi mới sáng tạo, trong đó 20% nói rằng không hiểu thế nào là đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2014-2017, tỉ lệ đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nước ta chưa đạt 1% doanh thu (trong khi đó doanh nghiệp ở Malaysia, Thái Lan đầu tư ít nhất 9% doanh thu cho hoạt động đổi mới sáng tạo).
“Hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư và Chính phủ rất quan tâm để tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích các bạn trẻ, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên bản thân mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo trong chính doanh nghiệp của mình, từ ý tưởng đến hành động để tạo động lực cho sự phát triển”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo từ những thứ nhỏ nhất
Là tập đoàn luôn dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế, năm 2019, IMB có tổng cộng 9.262 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ. Riêng IBM khu vực Đông Nam Á (bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Phillipines và Việt Nam) có 35 bằng sáng chế, trong đó, Việt Nam có 2 bằng sáng chế được đăng ký trong năm 2019.
Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ tại IBM Việt Nam cho biết, để đạt được thành quả này, IBM luôn có các chính sách để phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo, thành lập các chương trình để mọi nhân viên đều có thể đóng góp ý kiến, bởi sáng tạo là một trong những động lực tạo ra chuyển đổi số.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng Giám đốc về Chiến lược và Marketing, Công ty Kowil Fashion (Tập đoàn Phú Thái) cho biết, các cá nhân muốn khởi nghiệp hay các doanh nghiệp muốn phát triển đều phải dựa vào những ý tưởng, kể cả từ việc nhỏ nhất, đến từ những nhân viên thấp nhất.
Đưa ra ví dụ về sự thành công của tập đoàn Toyota dựa vào các ý tưởng, ông Đoàn Đức Thuận cho biết, tại Toyota, mỗi năm, lãnh đạo công ty nhận được khoảng 2 triệu ý kiến từ người lao động, trong đó 80% được áp dụng vào thực tiễn. Trong suốt 40 năm qua, nhân viên Toyota đã đóng góp tới 20 triệu ý tưởng cải tiến hiệu suất công việc, nghĩa là trung bình mỗi nhân viên nghĩ ra 60-70 ý tưởng/năm.
Cũng theo vị chuyên gia này, không phải ý tưởng nào sinh ra đã hoàn hảo và có thể giải quyết ngay các vấn đề. Các ý tưởng cần phải trải qua thời gian thử nghiệm, gọt giũa, thậm chí mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để duy trì, theo đuổi. Tuy nhiên nếu không có ý tưởng, doanh nghiệp sẽ không có gì để tiếp tục phát triển.
“Trong đầu mỗi người có hàng triệu ý tưởng, nhưng chúng ta chỉ dám nói 1/10, còn 9/10 còn lại ngại ngần khi nói, không được khuyến khích nói, thậm chí không dám nói vì sợ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Cả một tổ chức, bộ máy cùng đưa ra ý tưởng sẽ tốt hơn nhiều chỉ có lãnh đạo cấp cao công ty”, ông Thuận nêu quan điểm.
Lãnh đạo của Kowil cũng cho hay, đa phần các doanh nghiệp hiện nay đều nghĩ rằng, đổi mới sáng tạo là phải phát minh sản phẩm, công nghệ mới, những thứ được nhìn thấy. Tuy nhiên, có rất nhiều hình thức đổi mới sáng tạo vô hình nhưng gắn trực tiếp với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp như thay đổi cách làm việc với đối tác, cách vận hành công ty, thay đổi chiến lược truyền thông thương hiệu hay dịch vụ khách hàng và kênh phân phối.
Lấy ví dụ của thương hiệu nội thất IKEA khi phát triển một công nghệ cho phép người mua ghép hình ảnh các món đồ nội thất của hãng vào không gian thực tế để đánh giá sự phù hợp, ông Thuận cho biết, bản thân việc đổi mới sáng tạo này được hỗ trợ bởi công nghệ, nhưng xuất phát điểm lại là ý tưởng đột phá trong việc bán hàng.
“Vì vậy, đổi mới sáng tạo hiện nay được đánh giá bằng năng lực phân tích và sáng tạo ý tưởng. Đừng nghĩ công nghệ là thần thánh vì công nghệ được phát triển từ các ý tưởng sáng tạo chứ không phải công nghệ xuất phát điểm cho đổi mới sáng tạo”, ông Đoàn Đức Thuận nêu quan điểm.