Ngành mía đường hụt hơi vì khó khăn kép
(DNTO) - Đại dịch Covid-19 cùng với Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN (ATIGA) đang khiến các doanh nghiệp ngành mía đường chịu khó khăn kép. Ngành mía đường trong nước hụt hơi, teo tóp, nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ, diện tích mía nguyên liệu niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.
Sáng nay 1/12, tại hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 1/1/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%. Kể từ đây, thị trường đường trong nước đã trở thành điểm đến của hàng triệu tấn đường nhập khẩu từ ASEAN.
Thêm 4 nhà máy đường phải đóng cửa
Theo số liệu của VSSA, nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
"So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả", VSSA dự báo.
Cũng theo VSSA, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan.
Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm 87,67%. Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước như Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng…
Dưới tác động của đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.
Ông Võ Thành Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho hay, diện tích vùng nguyên liệu mía niên vụ 2019/2020 của công ty giảm 72% so vụ 2018-2019; sản lượng đường sản xuất niên vụ 2019/2020 cũng giảm 42 % so với vụ 2018-2019.
"Hội nhập đã lộ ra những con số rất minh bạch, với 1,3 triệu tấn đường nhập khẩu sau 11 tháng, cộng với lượng đường sản xuất trong nước niên vụ 2019/2020 đạt 750.000 tấn và hàng trăm ngàn tấn đường nhập lậu, thị phần đường trong nước đang do hàng nhập khẩu chi phối", ông Đảng cho hay.
Liên quan đến câu chuyện doanh nghiệp mía đường rơi vào tình cảnh khó khăn, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, hiện tại thực trạng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh.
Cụ thể, năm 2017 là 8.400 ha, đến năm 2019 là 4.800 ha. Năm nay chỉ còn khoảng 2.400 ha và dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2.000 ha.
Diện tích mía 2020-2021 giảm đến 72% so với 2017-2018 dẫn đến việc thu mua giảm sản lượng tương ứng của công ty.
Thu nhập bình quân của người dân theo diện tích mía là năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì người dân huề vốn.
“Nguyên nhân khiến sản lượng liên tục giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất. Không chỉ vậy, số lượng thu mua mía đường ngày càng giảm là do đường Thái Lan nhập chính ngạch nhập với giá thấp cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam”, ông Hiếu thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục hạn chế cho vay, chưa có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành đường trong nước trước ATIGA, đường nhập lậu vẫn tiếp tục tràn vào…, các công ty sản xuất đường từ mía sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Cần sớm áp dụng các biện pháp chống bán phá giá
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường.
Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng nêu các giải pháp: “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành thực hiện quyết liệt về vấn đề buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại. Bộ Công thương cần điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, để tạo điều kiện chúng tôi thu mua giá mía của người dân được cao hơn”.
Thứ hai theo ông Hiếu, cần có chính sách khuyến nông để hỗ trợ cho cây mía, đặc biệt là giao thông để vận chuyển mía dễ dàng hơn.
Thứ ba, đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các công ty trồng, sản xuất mía vay bằng cách tín chấp nhưng chỉ tín chấp một phần tài sản, không tính lãi với các khoản vay đầu tư như giống, nguyên liệu và nhân công. Áp dụng lãi suất ưu đãi với các khoản vay thu mua mía cho dân.