Cơ hội nào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ ‘bứt tốc’ sau các FTA?
(DNTO) - Mặc dù phải đối mặt với dịch Covid-19 và nhiều khó khăn về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhưng xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới kí kết.
Cơ hội lớn cho ngành gỗ sau các FTA
Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng chiếm 4,26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính riêng mặt hàng sản phẩm từ gỗ đạt 7,46 tỷ USD, chiếm 76,28% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước, cùng với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các người mua hàng tiềm năng, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia”, thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, các FTA thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ.
Về thuế suất, các nước ký hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Phải chóng ‘vượt rào’
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, bên cạnh các cơ hội và thuận lợi nêu trên, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới.
Việc quan hệ ngoại giao, kinh tế của các nền kinh tế lớn ngày càng căng thẳng kéo theo những biến động thương mại toàn cầu sẽ ngày càng khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và chủ nghĩa bảo hộ mang đến những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng.
Cũng theo thứ trưởng Bộ Công thương, hiện các nước ASEAN gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu, đẩy việc cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, chất lượng,… của các sản phẩm gỗ tăng cao.
Ngoài ra, các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu, và ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, là những khó khăn đối với ngành gỗ trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng, hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…).
Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (như nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước. Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ.
Thứ trưởng cũng thừa nhận, hiện vẫn chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao, tạo áp lực cạnh tranh trong nội bộ và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành.
Để thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ trong thời gian tới, thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.
Đồng thời, để đảm bảo nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu.
“Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề rất quan trọng với ngành gỗ. Trong đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT, một bộ phận của EVFTA sẽ tác động rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa Hiệp định VPA/FLEGT vào thực thi và thực hiện nghiêm túc; thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu gỗ thuộc danh mục CITES theo đúng quy định”, thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.