Chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, được không?
(DNTO) - Bên lề Diễn đàn phòng chống hàng giả, hàng nhái - Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức ngày 27/11, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử Kinh tế số, Bộ Công thương đã có cuộc trao đổi với báo giới về việc chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Bà đánh giá thế nào về mua sắm online, thương mại điện tử thời gian gần đây?
Trong năm qua, nền kinh tế có nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Dịch ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử lại là điểm sáng và có tốc độ tăng trưởng tốt.
Bởi lẽ, trong bối cảnh giãn cách xã hội, người tiêu dùng chọn thương mại điện tử là phương thức tất yếu để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và thực hiện giãn cách xã hội.
Với doanh nghiệp, việc ứng dụng thương mại điện tử là lựa chọn tất yếu để có thể tồn tại và thích ứng trong bối cảnh đại dịch.
Có thể nói, thương mại điện tử là một trong những phương thức kinh doanh mới, hiện đại, là lựa chọn cho cả người dân và doanh nghiệp, ngày càng tiếp tục vai trò trong việc đẩy mạnh, phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Từ giờ đến cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử trên khai các chương trình khuyến mại như Black Friday. Theo bà các chương trình khuyến mại đó sẽ giúp kích cầu ra sao?
Tôi cho rằng, việc triển khai một loạt các chương trình khuyến mại trên các sàn điện tử cũng đúng với chủ trương và chính sách của Chính phủ là đẩy mạnh, kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.
Việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử như một phương thức, kênh phân phối mới, hiện đại và có thể đẩy mạnh tất cả các hoạt động kinh tế số nói chung.
Trong việc ứng dụng các hoạt động khuyến mại như vậy, không chỉ những dịp cuối năm, hiện các sàn thực hiện việc này thường xuyên, liên tục để hỗ trợ người tiêu dùng hình thành thói quen mua sắm thông qua thương mại điện tử.
Tại Bộ Công thương, chúng tôi đang triển khai chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2020”, và đây là sự kiện đã được triển khai đến nay là năm thứ 7, được Chính phủ phê duyệt. Đây là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam.
Vừa qua chúng tôi đã kích hoạt chương trình này, và được triển khai với mô hình mới, đó là 60 giờ mua sắm trực tuyến liên tục. Chương trình sẽ kéo dài đến tháng 12/2020.
Một trong những chương trình khuyến mại bán lẻ là câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng sắp hết date được các sàn tung ra bán với gia ưu đãi. Là cơ quan quản lý, bà có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp, người dân mua sắm trong dịp này?
Trước hết tôi đề cập đến ngày mua sắm trực tuyến Online Friday. Với chương trình này, Bộ Công thương đã có những cơ chế kiểm duyệt để có thể giải quyết được việc chống hàng giả, kích giá không đúng với giá thực tế thông qua những phương thức cụ thể.
Các doanh nghiệp cũng như website tham gia ngày mua sắm trực tuyến phải đăng ký và thông báo với Bộ Công thương thông qua Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.
Thứ hai, các doanh nghiệp đều phải có cam kết bán hàng chính hãng và được Ban tổ chức kiểm duyệt chặt chẽ.
Ngoài ra chúng tôi có cơ chế để giải quyết khiếu nại đối với người tiêu dùng. Nếu các sàn có hành vi vi phạm như hàng hết date hoặc bán không đúng giá thực tế... sẽ phản hồi kịp thời cho chúng tôi. Chúng tôi chuyển tới cơ quan chức năng để giải quyết tức thì. Khi đủ căn cứ, chúng tôi có cung cụ để gỡ ngay thông tin doanh nghiệp.
Còn đối với các chương trình khuyến mại khác, tôi cho rằng người tiêu dùng phải có kỹ năng và thói quen mua sắm qua những sàn thương mại điện tử uy tín, được Bộ Công thương xác nhận.
Thứ hai, cần có sự so sánh giá đối với những mặt hàng liên quan thông qua công cụ so sánh, công cụ tìm kiếm.
Thứ ba, cần nắm được cơ chế cũng như quy định trên các sàn để có thể trực tiếp phản ánh, khiếu nại khi mình bị vi phạm quyền lợi.
Cảm ơn bà.