Đồng hồ Rolex giả rao bán chỉ vài triệu đồng trên trang thương mại điện tử
(DNTO) - Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Nạn hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối trên môi trường thương mại điện tử
Tại Diễn đàn phòng chống hàng giả, hàng nhái với chủ đề “Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp”, tổ chức sáng 27/11, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, theo đánh giá từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nên nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá.
Cụ thể, trong quý 3/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ); đồng thời khởi tố 369 vụ (tăng 14% so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).
Theo bà Huyền, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Bên cạnh đó, trên môi trường thương mại điện tử còn xuất hiện hiện tượng giả mạo tên miền, website, giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến (các đối tượng lợi dụng hình ảnh của những KOL/người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả).
Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…
“Các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, LV, điện thoại iPhone… thường xuyên bị làm giả, nhái. Không chỉ vậy, các đối tượng còn giả mạo thông tin trên bao bì sản phẩm như sản phẩm sữa ong chúa, mì chính, thực phẩm chức năng, dược phẩm...”, bà Huyền cho hay.
Tội phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái thủ đoạn ngày càng tinh vi
Ông Nguyễn Minh Thông, đại diện Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, qua công tác nắm tình hình, thời gian qua cơ quan chức năng thấy nổi lên phương thức mới của tội phạm buôn bán hàng giả, đó là tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ.
“Nhiều nhà máy Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam, sau đó gắn nhãn mác Made in Việt Nam. Tiêu chuẩn, định lượng sản phẩm không đúng với cấp phép, công bố, chủ yếu là thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí còn có tình trạng làm giả hồ sơ tài liệu để nhập lậu hàng hóa; làm giả từ hồ sơ giấy tờ những sản phẩm tân dược, bảo vệ sức khỏe”, ông Thông nói.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các hiệp định thương mai tự do, do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.
Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt, cuối năm 2019 đã phát hiện một công ty cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM, không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.
Đy là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra làm rõ về tội "Giả mạo trong công tác" theo Bộ luật hình sự.
Để công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được hiệu quả, vai trò của doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất vô cùng quan trọng.
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan hữu quan. Với nhóm trung và dài hạn, cần tăng cường đấu tranh hàng giả hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, thanh, tra kiểm tra xử lý vi phạm.
Theo bà Minh Huyền, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cần trang bị các kiến thức cần thiết để phân biệt được hàng giả, hàng nhái.
Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để công ty biết và đưa ra biện pháp xử lý.
Song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động trong công tác chống hàng giả, áp dụng các giải pháp chống giả như in tem chống hàng giả, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, quản lý hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên xoá bỏ tâm lý e ngại công bố thông tin sản phẩm bị làm giả, mà cần phải chủ động hợp tác với cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường, truyền thông… và hỗ trợ người tiêu dùng khi xảy ra sự cố.
Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan như hiện nay.