Nhiều vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện trong giao dịch thương mại điện tử
(DNTO) - Hội thảo “Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng” diễn ra ngày 10/11 tại TP.HCM công bố thông tin: mỗi ngày có hơn 3,5 triệu lượt khách truy cập các sàn thương mại điện tử Việt Nam, nâng tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử lên hơn 30%/ năm.
Đó là con số lý tưởng theo dữ liệu quý II năm 2020 từ Iprice, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Xu thế nhà nhà mua sắm trực tuyến
Tại hội thảo (do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC, phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM - ITPC, và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam - VECOM, tổ chức), ông Nguyễn Tuấn – Phó giám đốc ITPC khẳng định nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và trên hết là doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0.
Theo báo cáo của VECOM, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10.08 tỷ USD, chiếm 4.9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á.
Có thể thấy, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động, phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, theo luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký VIAC, để các giao dịch qua công cụ điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, sàn giao dịch, các quy định pháp luật cần được xây dựng và được hướng dẫn để áp dụng chặt chẽ, hiệu quả.
Pháp lý quan trọng trong giao dịch
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM, cho rằng cần tháo bỏ một số rào cản khi tiến hành các giao dịch. Từ việc đánh giá thực tiễn cũng như phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại, hòa giải, trọng tài thương mại là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.
Đại diện sàn giao dịch điện tử, ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và ông Nguyễn Thanh Tuấn – Quản lý cấp cao Amazon Global Selling VietNam, có chung nhận định, dù đã có nhiều cải tiến nhưng việc xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp – sàn giao dịch – người tiêu dùng vẫn không thể tránh khỏi.
Để thương mại điện tử phát triển đúng hướng, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn, đặc biệt việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp trong quá trình giao dịch cũng là yếu tố cần được chú trọng.
Ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc kinh doanh sàn Tiki nêu ý kiến, Covid-19 đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ với nền kinh tế số, hàng loạt doanh nghiệp đồng thời chuyển sang hình thức giao dịch mới. Điều này vô tình đẩy số lượng các tranh chấp tăng lên, đòi hỏi cần có quy định pháp luật rõ ràng và lựa chọn hình thức giải quyết sao cho phù hợp, dứt điểm.
Dù các sàn đều xây dựng bộ phận chăm sóc, giải quyết khiếu nại nhưng phương án này chưa thực sự triệt để. Cách thức này chỉ có hiệu quả và khả dụng đối với các tranh chấp, mâu thuẫn không quá phức tạp.
Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho biết, khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hầu hết các sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp/người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; từ đó gây ra việc nhà cung cấp không xem trọng các nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra, trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.
Thực tế, hệ thống pháp luật có những điều luật điều chỉnh về việc xử phạt các hành vi cung cấp thông tin hoặc buôn bán hàng giả. Tuy nhiên lại chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn là chính xác, đầy đủ. Với sự phát triển của thương mại điện tử, các giao dịch trên mạng lưới trực tuyến ngày càng khó kiểm soát.
Luật sư Nguyễn Hạ Quyên cho rằng nhà nước cần phải nhanh chóng thiết lập hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong môi trường điện tử.
Ở khía cạnh giải quyết tranh chấp, luật sư Nguyễn Trung Nam – Trọng tài viên VIAC, Giám đốc VMC, Luật sư sáng lâp EP Legal cho biết, cách thức xử lý của các sàn thương mại điện tử hiện nay khi có tranh chấp phát sinh chủ yếu dưới hình thức giải quyết khiếu nại. Điều này không thể giải quyết triệt để vấn đề của khách hàng cũng như không đảm bảo tính “răn đe” cao. Bên cạnh đó các yếu tố rủi ro như giá trị hàng hóa nhỏ trong khi chi phí khởi kiện quá lớn…
Hiện nay, nền tảng giải quyết tranh chấp ODR, được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án sử dụng trên nền tảng trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Phương thức này đã được sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới như Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Pháp, Ủy ban Trọng tài Quảng Châu (GZAC) tại Trung Quốc,…
Với sự phát triển của công nghệ 4.0, ODR dần trở thành sự lựa chọn tối ưu trong tương lai. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2020, GO ADR tại VMC sẽ là bước tiến mới trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, đảm bảo hỗ trợ tối ưu cho người dùng trực tuyến, hạn chế tối đa những rủi ro còn hiện hữu khi thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống.