Sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử: Cần cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng
(DNTO) - Sáng ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị định 52, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, thương mại điện tử Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần thay đổi phương thức vận hành mới cho thương mại nói chung và nền kinh tế số nói riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại điện tử đang có tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ góp, phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, ngày 7/10/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 về thương mại điện tử.
Trong đó, Nghị quyết đã thông qua 4 chính sách lớn: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
“Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52, hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động thương mại điện tử; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; không để thương mại điện tử bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.
Góp ý cho dự thảo, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mong muốn, dự thảo ngoài việc chú trọng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng nên tạo điều kiện thuận lợi thỏa đáng cho doanh nghiệp. Bởi nếu không có những doanh nghiệp tiên phong, đầu tư vào thương mại điện tử, sẽ không thể hỗ trợ ngành thương mại điện tử phát triển.
“Từng điểm sửa mới trong nghị định, ban soạn thảo nên soi chiếu với cái cũ xem đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay chưa, còn cản trở gì, chi phí doanh nghiệp phải gánh thêm là bao nhiêu thì mới có thể tạo động lực cho doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển”, đại diện VECOM cho hay.
Trong hai tháng tới, ban soạn thảo dự thảo tiếp tục lấy ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.