Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải song hành với cơ quan quản lý nhà nước
(DNTO) - Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa với nhiều ưu đãi về thuế quan nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ông Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN). DN có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD kim ngạch. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc khởi xướng mới là 32 vụ tăng gấp đôi số vụ so với cả năm 2019 (16 vụ).
Điều đáng quan tâm nhất là hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại lại chính là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về sản xuất nhất như: Kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,... Trong đó, các thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng XK của Việt Nam (Chiếm 62%). Không những thế, gần đây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn vướng phải điều tra phòng vệ của các nước ASEAN (chiếm 20%).
Đơn cử như gỗ dán, một trong những nhóm mặt hàng đã vướng vào không ít vụ kiện phòng vệ thương mại. Ngày 26/5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với ván dán NK từ Việt Nam từ 9,18% đến 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29/5/2020 đến ngày 28/9/2020. Hiện nay, phía Hàn Quốc đã kết thúc điều tra thực tế tại các DN và sẽ công bố quyết định chính thức vào thời gian tới.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 6/9/2020 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán (mã HS 4412) XK từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ông Lê Anh Văn, các FTA ký kết bao giờ cũng đi kèm các quy định về phòng vệ thương mại, trong khi các DN nhỏ và vừa còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ, chưa tìm hiểu kỹ. Điều này dẫn tới các DN chưa chủ động được các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Thậm chí, một số DN còn bị mất thị phần. Ngoài ra, vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là có thể nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính
Vậy Chính phủ và Bộ Công Thương đã ứng phó thế nào trước thực trạng này? Các doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để tránh bị điều tra phòng vệ thương mại?
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chủ động phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kháng kiện. Cụ thể, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều DN chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng XK, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada...
Bênh cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp cùng các ban ngành liên quan, Thường xuyên cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát, theo dõi và có các biện pháp xử lý phù hợp; cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; có ý kiến với cơ quan quản lý, cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị đối xử khách quan với các DN XK của Việt Nam, tuân thủ đúng quy định của WTO…
Về phần mình, các DN cần phải trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
Song song với đó, các doanh nghiệp xây dựng chiến lược XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là XK của mình.
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do chính là mở ra thêm nhiều cánh cửa để phát triển. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng ưu thế, đồng thời phải luôn song hành với cơ quan quản lý nhà nước để ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
Nguyên Bảo (tổng hợp)