Quản lý thương mại điện tử cần quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19
(DNTO) - Theo ông Đoàn Tử Tích Phước, trưởng đại diện ví điện tử Momo, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có chiều hướng siết lại so với trước đây. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài, thương mại điện tử cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng
Ngày 14/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”. Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đồng thời, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để góp ý xây dựng dự thảo này.
Nội dung của dự thảo bổ sung một số quy định về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, trong đó, bao gồm điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; đăng ký website bán hàng của thương nhân nước ngoài, của thương nhân nước ngoài bán hàng qua sàn thương mại điện tử Việt Nam...
Ngoài ra, dự thảo nghị định sửa đổi còn quy định việc quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và sửa đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử…
“Trên thực tế, văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước. Theo đó, các thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics và các tổ chức, doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến thương mại điện tử cũng đều chịu tác động”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Góp ý xây dựng dự thảo nghị định, ông Đoàn Tử Tích Phước, trưởng đại diện ví điện tử Momo đến từ Hà Nội bày tỏ: “Trong năm 2021, Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp, theo đó xu hướng tiêu dùng online sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhưng với dự thảo nghị định này, tôi nhận thấy có chiều hướng siết lại so với trước đây. Theo tôi, các điều khoản nên để ý, quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch”.
Cũng góp ý xây dựng dự thảo nghị định, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, quy định trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo là cần thiết.
Tuy nhiên điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp, vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo điểm 1, Điều 17 của Luật An toàn thông tin mạng hay khoản 3 Điều 38 của Bộ Luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, các công vụ tra cứu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng lọt/lộ thông tin của doanh nghiệp hay dữ liệu cá nhân người dùng khi rủi ro mất an toàn thông tin mạng là luôn hiện hữu từ các cuộc tấn công hoạt chiếm đoạt thông tin trên không gian mạng trên thế giới trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về nghĩa vụ tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Từ góc độ của doanh nghiệp, việc phải bố trí nhân lực vật lực để xây dựng và duy trì công cụ theo yêu cầu của dự thảo sẽ là một gánh nặng không hề nhẹ, LS. Hà khuyến nghị.
Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử theo văn bản dự thảo nghị định dường như chưa có sự thông thoáng, nhiều giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp.
Điều này sẽ kéo theo tâm lý bất an cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam. Bởi việc chấp nhận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trên cơ sở tham vấn ý kiến từ Bộ Công Thương. Do đó, nếu phải thêm một lần nữa xin lại ý kiến của Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký hoặc giấy phép hoạt động có thể kéo theo sự chồng chéo và gây xung đột về chức năng cấp phép đầu tư.
Ngoài ra theo LS. Nguyễn Thanh Hà, tại khoản 11d, điều 36 quy định sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới về hàng hóa dịch vụ bán trên sàn thương mại điện tử. Như vậy, nếu người bán vi phạm thì chủ sàn bị ảnh hưởng. Điều này là không hợp lý.
Nghị định có làm khó chủ sàn thương mại điện tử?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông bày tỏ, nếu theo tư duy siết chặt như trong nghị định này liệu có đi ngược với xu thế hiện nay. Vì thương mại điện tử là một trong những đóng góp lớn trong nền kinh tế số.
“Nếu cứ thắt chặt thì đi ngược với xu thế. Hãy nhìn tổng thể một chút, nếu cứ áp đặt như vậy liệu có chống được hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử không?”, ông Đồng đặt câu hỏi.
Ông Đồng cũng cho rằng, phần trách nhiệm liên đới của sàn thương mại điện tử tại điều 36 là không hợp lý. Ví dụ, việc bán hàng ở chợ truyền thống, khi các thương nhân bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì cơ quan quản lý chợ có bị liên đới không. “Rõ ràng là không, làm sao chủ chợ phải chịu trách nhiệm với thương nhân bán hàng giả hàng nhái. Tư duy như vậy theo tôi là không hợp lý”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, để giảm tình trạng này, nên khuyến khích các sàn xây dựng chuẩn mực, tự công bố thông tin. Ngoài ra, vai trò của các Hiệp hội có thể tận dụng được, không nhất thiết phải áp dụng trách nhiệm của chủ sàn mới xử lý được hàng giả hàng nhái.
Đối với quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, đại diện sàn thương mại điện tử Sen Đỏ góp ý: Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào, họ thường nhìn vào khả năng thoái vốn. Nhưng với rào cản như hiện nay sẽ gây khó cho nhà đầu tư.
Thương mại điện tử là lĩnh vực đầu tư vốn lớn, nhiều doanh nghiệp Việt đã cố gắng đầu tư vào thương mại điện tử nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc. Dòng tiền cho thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu là đầu tư nước ngoài.
“Điều 67c quy định nhà đầu tư nước ngoài phải thuộc công ty thương mại uy tín toàn cầu, sẽ tạo rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Nếu là sàn Shoppee hay Lazada… sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu là các doanh nghiệp trong nước như Tiki, Sen đỏ… phần lớn phải gọi vốn từ các nhà đầu tư mới, doanh nghiệp nhỏ, thành phần đa dạng, thì quy định này vô hình trung sẽ tạo rào cản lớn cho các sàn tiếp cận vốn đầu tư, làm hạn chế danh sách tiếp cận vốn…”, ông Dũng cho hay.