3/4 doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp từ CPTPP
(DNTO) - TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho biết, theo một khảo sát mới đây, có tới với 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP.
Tại Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP tại Việt Nam: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp”, do VCCI tổ chức sáng nay 7/4, Chủ tịch VCCI cho biết, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) còn khiêm tốn. Thực tế khảo sát cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã hái được “trái ngọt” từ Hiệp định này.
Ông Lộc cho hay, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP và các hiệp định trong tương lai. Tiếp theo đó là các biến động và bất định của thị trường. Nhóm lực cản thứ ba liên quan tới yếu tố từ góc độ các cơ quan nhà nước, như: thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp...
“Có tới 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lộc, trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP.
Cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn. Một số ít doanh nghiệp (14-16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế...
“Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế", ông Lộc nói.
Lý giải về thực trạng này, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, ở các sản phẩm nông sản, chúng ta đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ, nên khó khăn trong cải thiện một cách đồng bộ. Gia nhập Hiệp định CPTPP ngoài việc giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu thì còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình.
Để tiếp tục tận dụng tốt hơn Hiệp định này thời gian tới, theo bà Trang, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Đưa ra giải pháp, ông Phan Hữu Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định CPTPP ngoài những thuận lợi mang lại, cần chuẩn chỉ và đi theo các quy định chung, quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt, chủ động tìm hiểu các thông tin về thị trường và các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Từ đó, có sự chuẩn bị về tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực để không bị sụt giảm về sản lượng và chất lượng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang là vấn đề lớn nhất cản trở họ hưởng lợi từ ưu đãi này của Hiệp định.
Khảo sát của WTO cho thấy với 80% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp... không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”. Rõ ràng sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.
Trong khi đó, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của doanh nghiệp FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng, khi họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các FTA tốt hơn CPTPP.
“Hơn phần nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch Covid-19. Dự báo doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản sống chung với Covid-19 theo cách thức đặc biệt: Kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới”, bà Thu Trang nói.
Cũng theo bà Thu Trang, từ khảo sát này cho thấy, Hiệp định CTCPP đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các doanh nghiệp.