Nhiều nghệ sĩ đồng hành cùng cộng đồng sống chung với HIV

(DNTO) - Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM khởi động chiến dịch truyền thông kỷ niệm 35 năm ứng phó với đại dịch HIV tại Việt Nam. NSND Kim Xuân; NSND Trịnh Kim Chi; NSƯT Tuyết Thu; hoa hậu H’Hen Niê; hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa; á hậu Kim Duyên; á hậu Thanh Ngân, cùng nhiều nghệ sĩ đã tham gia.
Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và 35 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS.
Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã có nhiều phát triển, với những chính sách và chiến dịch nâng cao nhận thức để dự phòng cho các nhóm đích và điều trị cho những người bị ảnh hưởng.
Từ đầu năm 2025 tới nay, theo báo cáo của Cục Phòng bệnh, cả nước ghi nhận 4586 người nhiễm HIV phát hiện mới và 527 người nhiễm HIV tử vong. Số người nhiễm HIV đang còn sống là 249.962 trường hợp, tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 116.531 trường hợp. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát dịch bệnh, bao gồm việc mở rộng chương trình điều trị ARV và bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Các nghệ sĩ cùng đồng hành với hoạt động ý nghĩa trong rất nhiều năm
Đến 30/9/2024, toàn quốc có 182.882 người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV. Trong số này có trên 160.000 người đang sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT; 91% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV đã có thẻ bảo hiểm y tế. Trong 35 năm qua, nhờ các chương trình can thiệp mạnh mẽ, tỷ lệ nhiễm HIV mới trong những năm gần đây đã giảm đáng kể.
Chương trình giúp cộng đồng thay đổi cách nhìn đối với HIV từ “căn bệnh thế kỷ” thành một bệnh mãn tính, có thể kiểm soát tốt bằng thuốc và người sống với HIV có thể có cuộc sống bình thường, ổn định nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus; nâng cao nhận thức của xã hội về HIV/AIDS, đặc biệt là đối với các nhóm ảnh hưởng chính, những người dễ bị tổn thương; tăng cường kết nối cộng đồng, tạo cơ hội chia sẻ, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau; hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào 2030.
Hoa hậu H’Hen Niên có gần 10 năm đồng hành cùng cộng đồng sống chung với HIV. Cô vui mừng khi chương trình lần này được tổ chức ở một trung tâm thương mại, thể hiện sự cởi mở, sự chia sẻ của cộng đồng để chương trình đến với nhiều người hơn.
“Hen là người chung thủy, gắn với với cộng đồng là cơ duyên. Lúc đầu Hen tham gia gặp nhiều khó khăn do chưa có sự hiểu biết nhiều nhưng càng đi nhiều hiểu, tinh thần lan tỏa, chia sẻ nhiều hơn. Sự xuất hiện của mình là niềm khích lệ, động viên đến cộng đồng sống chung với HIV” - H’Hen Niê tâm sự.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu đều có hơn 10 năm đồng hành. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Ngày xưa khi nhắc đến HIV, ai cũng hoảng sợ nhưng đến bây giờ mọi thứ bình thường khi mọi người có nhiều kiến thức về HIV, mình có thể nói chuyện, bắt tay, ôm họ, chia sẻ với họ. Chi có biết một đồng nghiệp mắc HIV và người ấy xem chuyện này là bình thường. Họ có kiến thức để khống chế căn bệnh và không lây truyền cho người khác”.

Hoa hậu H'Hen Niê đã có 10 năm đồng hành cùng các bệnh nhân HIV
“Làm nghệ thuật, am hiểu cảm xúc mỗi thân phận, Tuyết Thu hiểu người sống chung với HIV còn bị cộng đồng xã hội kỳ thị. Tham gia chương trình là cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về HIV/AIDS, để lan tỏa bằng sự hiểu biết của mình để mọi người phòng ngừa” - nghệ sĩ Tuyết Thu bộc bạch.
Dịp này, người sống với HIV chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm của bản thân góp phần nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị; đồng thời giúp người tham gia hiểu biết rõ hơn về HIV/AIDS và cách dự phòng, điều trị.
Ông Nguyễn Anh Phong - phó chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM - cho biết nhiều trường hợp bị lây truyền HIV chủ yếu họ không có kiến thức, tự hạn chế mình với những thông tin, kiến thức, thậm chí hạn chế cả về giao tiếp.
“Khi chúng ta hiểu nhau, cởi mở thì người bạn tình, bạn đời có thể kể tất cả thông tin với nhau, để phòng tránh. Không chia sẻ thông tin, nguy cơ lây truyền cao. Mọi người hãy bớt sợ bệnh tình, bớt sợ tiếp xúc, đừng hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ của người sống chung với HIV, đặc biệt đó là cơ hội để họ sống tốt, sống khoẻ, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Tính đến 30/11/2024, đã có 221 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 31 tỉnh, thành phố với hơn 71.000 người đang sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, tính đến 15/09/2024, các chiến dịch truyền thông trên cả nước với số lượt truyền thông về HIV/AIDS là 650.901; số lượt người được truyền thông về HIV/AIDS là 288.905.285 cũng đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội về HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người sống với HIV và các nhóm ảnh hưởng.

NSND Kim Xuân cũng đã có rất nhiều năm tham gia chương trình
Một thành tựu nổi bật khác đó là phát triển mạng lưới hỗ trợ, thông qua đó hệ thống các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng người sống với HIV ngày càng được củng cố, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ người bệnh.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức đối với chương trình phòng chống HIV tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ nhiễm mới đã giảm, vẫn còn những thách thức trong việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho các nhóm có nguy cơ cao, các nhóm đích trẻ, nhóm di biến động tại các khu công nghiệp, khu dân cư tại những khu đô thị mới. Công tác truyền thông về HIV/AIDS đã được tích cực thực hiện, nhưng vẫn cần cải thiện để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV, đặc biệt vấn đề tự kỳ thị vẫn còn là một trong những nguyên nhân chính tạo nên rào cản với việc tiếp cận dự phòng và điều trị.