Thứ năm, 03/07/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Sửa Nghị định 15 sau hàng loạt vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
- 18:06, 03/07/2025

(DNTO) - Nhiều nội dung được đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định 15 sửa đổi để giải quyết ngay hạn chế, bất cập liên quan đến việc tự công bố, hậu kiểm, quảng cáo sản phẩm...

 

Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm sữa trên thị trường. Ảnh: CQCN

Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm sữa trên thị trường. Ảnh: CQCN

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước nhiều vụ việc các sản phẩm vi phạm được phát hiện gần đây như: Vụ sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (Kẹo rau củ Kera) chứa sorbitol vi phạm quảng cáo; các vụ sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận..., thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thống nhất bổ sung vào dự thảo Nghị định các nội dung để đảm bảo các yêu cầu trong tình hình mới.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, cho ý kiến khi tiếp nhận hồ sơ, đăng tải hồ sơ trên trang thông tin điện tử, xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ; nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường (điểm b khoản 4, điểm d khoản 28 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Lý do: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa có quy định cơ quan quản lý kiểm soát các hồ sơ tự công bố dẫn đến nhiều sản phẩm doanh nghiệp tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất sản phẩm, tự thổi phồng công dụng sản phẩm, không tuân thủ về chất lượng sản phẩm. Khi phát hiện thanh tra, kiểm tra thì sản phẩm đã được lưu thông, tiêu thụ.

Dự thảo bổ sung quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm (khoản 5, 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Lý do: Thực phẩm bổ sung (một phân nhóm trong thực phẩm chức năng) chưa được nêu rõ trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, không được quy định trong các nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố, thực phẩm bổ sung thuộc nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và được tự công bố. Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm, rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe tự xác định thành thực phẩm bổ sung và tự công bố. Ngoài ra do không phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan có thẩm quyền nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp phóng đại tính năng, công dụng sản phẩm.

Quy định đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi: Trên cơ sở tham khảo mô hình quản lý của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… quy định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm nhằm kiểm soát việc phối hợp thành phần, các chỉ tiêu an toàn và chất lượng sản phẩm, tính năng, công dụng sản phẩm từ khi nghiên cứu phát triển sản phẩm đến khi đăng ký trước khi lưu thông trên thị trường (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Lý do: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố, do đó thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố đơn giản hóa nhằm nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để sử dụng nhiều thành phần không có tính năng, công dụng trong một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ nhằm mục đích để quảng cáo sản phẩm mà chưa quan tâm đến an toàn, chất lượng, thực chất công dụng của sản phẩm.

Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phải công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm áp dụng theo quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá về công bố tiêu chuẩn áp dụng (khoản 4, 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Lý do: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký bản công bố chỉ phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn mà không phải kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng, không tuân thủ về chất lượng sản phẩm như hồ sơ công bố. 

Bổ sung quy định về thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và gỡ bỏ thông tin sản phẩm đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm để tăng cường tính nghiêm minh thực thi pháp luật an toàn thực phẩm (khoản 9 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Nội dung quy định này nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng sau khi công bố sản phẩm thực phẩm, phục vụ công tác hậu kiểm.

Bổ sung quy định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho đến khi có quyết định xử lý vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân chấp hành xong quyết định xử lý (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Quy định này để đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Quy định bắt buộc áp dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) hoặc Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 hoặc Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS) hoặc Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC) hoặc Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc chứng nhận tương đương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi để nâng cao điều kiện sản xuất của các sản phẩm thực phẩm này (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Lý do: Theo quy định của Liên minh Châu Âu và một số nước, các cơ sở sản xuất thực phẩm bắt buộc phải tuân thủ hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), trong đó, một số nước quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mới được cấp giấy chứng nhận HACCP. Hiện nay, tại Việt Nam các giấy chứng nhận trên do tổ chức thứ 3 cấp (tổ chức này do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định).

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định về thẩm quyền cơ quan được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) hoặc Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 hoặc Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS) hoặc Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC) hoặc Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc chứng nhận tương đương.Tuy nhiên, trong thời gian chờ sửa Luật, để nâng cao năng lực của cơ sơ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Bộ Y tế đề xuất bổ sung tại Dự thảo Nghị định quy định đối với các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm: Thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) hoặc chứng nhận tương đương. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm tra, giám sát tổ chức thứ 3 được được chỉ định cấp các giấy chứng nhận trên.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm (trên cơ sở tham khảo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm - FDA Hoa Kỳ). Trong đó, quy định cụ thể việc xây dựng kế hoạch, nội dung, tần suất, các trường hợp hậu kiểm theo kế hoạch, hậu kiểm đột xuất và vai trò của cơ quan quản lý trong việc triển khai công tác hậu kiểm; tăng cường vai trò cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước trong việc chủ động lấy mẫu giám sát trên thị trường. 

Các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài Chính và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý an toàn thực phẩm, thống nhất quản lý về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương để phục vụ công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng và thu hồi sản phẩm (khoản 29 Điều 1 Dự thảo Nghị định).

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung các quy định đối với các bên tham gia quảng cáo sản phẩm, tăng cường giám sát quảng cáo trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm; xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo; công khai mối quan hệ giữa người ảnh hưởng và đơn vị tài trợ quảng cáo...  

Quy định trách nhiệm cụ thể của một số bộ ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm các Bộ: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Tài Chính; Khoa học và Công nghệ; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Bổ sung quy định chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm...

Tin khác

Thời sự - Chính trị
Nhiều nội dung được đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định 15 sửa đổi để giải quyết ngay hạn chế, bất cập liên quan đến việc tự công bố, hậu kiểm, quảng cáo sản phẩm...
10 phút
Tài chính - Thị Trường
Tổng thống Mỹ, Donald Trump, công bố một thỏa thuận thương mại bước đầu đã được thiết lập với Việt Nam, trong đó thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ sẽ vào khoảng 20%, trong khi hàng hóa từ Mỹ vào nước ta sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
8 giờ
Thời sự - Chính trị
Trong dòng chảy đầy biến động của kinh tế thế giới, việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt là sự kiện đáng chú ý trên bình diện song phương, mà còn đến vào đúng thời điểm đất nước vừa bước vào kỷ nguyên phát triển mới, và cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để vươn ra toàn cầu.
9 giờ
Thời sự - Chính trị
Luật Công chứng 2024, có hiệu lực từ 1/7/2025, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực công chứng tại Việt Nam. Cùng với nhiều quy định tích cực khác, quy định bắt buộc phải chụp ảnh người ký với công chứng viên khi công chứng và triển khai công chứng trực tuyến… là những thay đổi được người dân hết sức quan tâm.  
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó hướng dẫn cụ thể về các đối tượng không chịu thuế VAT.
1 ngày
Tài chính - Thị Trường
Ngày 30/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất trong tháng 6 đạt 49,7 điểm. Mặc dù con số này cho thấy sự cải thiện nhẹ so với mức 49,5 của tháng 5 và 49,0 của tháng 4, đây vẫn là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Bước ngoặt 1/7/2025 không chỉ là dấu mốc hành chính, đó là cột mốc đánh dấu bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và sự kiên định vì nhân dân của cả hệ thống.
2 ngày
Trung ương hội
Chiều 30/6, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025), với sự tham dự của đại diện các đơn vị chỉ đạo, phối hợp tổ chức, các chuyên gia, thành viên Ban Tổ chức, Ban Cố vấn Diễn đàn và đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Sau ngày 1/7, người dân có thể đăng ký xe tại bất kỳ công an xã nào trong tỉnh. Biển số xe sẽ được cấp theo danh sách mã số của các địa phương sáp nhập, ưu tiên từ số thấp đến cao.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Sáng 30/6, tại TP.HCM, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, cũng như thành lập các tổ chức Đảng và chỉ định nhân sự cho các cấp chính quyền và đoàn thể mới.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Hôm nay (30/6), từ 8h sáng, trên cả nước sẽ đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Cuộc chiến thương mại và các chính sách thuế quan mới do Hoa Kỳ khởi xướng đang tạo ra những tác động sâu sắc và đa chiều lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, ngành kho bãi tại Mỹ đang đứng trước những thách thức và sự thay đổi cấu trúc chưa từng có, đồng thời mở ra cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia sản xuất như Việt Nam.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Từ ngày 1/7/2025, Bộ Công Thương sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền cấp 31 mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi và không ưu đãi cho địa phương.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 26/6 (giờ Mỹ) đã làm dậy sóng chính trường quốc tế với tuyên bố "chúng tôi vừa ký với Trung Quốc ngày hôm qua", ngay sau đó lại hé lộ về một thỏa thuận thương mại "rất lớn" sắp đạt được với Ấn Độ.
6 ngày
Xem thêm