Thỏa thuận thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Cánh cửa mở ra cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên mới

(DNTO) - Trong dòng chảy đầy biến động của kinh tế thế giới, việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt là sự kiện đáng chú ý trên bình diện song phương, mà còn đến vào đúng thời điểm đất nước vừa bước vào kỷ nguyên phát triển mới, và cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để vươn ra toàn cầu.
Thỏa thuận mang dấu ấn của ngoại giao chủ động
Ngày 2/7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức tuyên bố việc hai nước đã đạt được đồng thuận thương mại quan trọng. Thỏa thuận này, nếu được thực thi đúng lộ trình, sẽ là một trong những cột mốc lớn nhất trong lịch sử hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác toàn diện, cân bằng và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía.
Đằng sau kết quả này là cả một tiến trình dài hơi, bền bỉ của ngoại giao kinh tế Việt Nam. Các chuyến công tác cấp cao, những cuộc đối thoại song phương và nỗ lực bền bỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên trách đã góp phần quan trọng giúp tháo gỡ rào cản, tạo dựng niềm tin và thể hiện thiện chí mạnh mẽ từ phía Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đầy rủi ro, xung đột thương mại phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, việc giữ vững đối thoại, đề cao tinh thần hợp tác cùng thắng là một nghệ thuật lãnh đạo và chiến lược quốc gia.

Việc đạt được thỏa thuận thương mại là dấu mốc mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ.
Doanh nhân trẻ - Lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên hội nhập
Với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, đây là một thời cơ vàng để củng cố lại chuỗi cung ứng, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm và chủ động hội nhập sâu hơn vào thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ. Việc giảm đáng kể thuế suất giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, đồng thời tạo động lực để tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội luôn là yêu cầu đổi mới: phải minh bạch hơn, công nghệ hóa mạnh hơn và đặc biệt là xây dựng được năng lực truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ và trách nhiệm xã hội.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam mở rộng cửa với hàng hóa và đầu tư từ Hoa Kỳ cũng là cơ hội để tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện năng suất và tạo đòn bẩy cho chuyển đổi xanh. Những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, logistics thông minh hay chuỗi bán lẻ hiện đại sẽ là những không gian hợp tác giàu tiềm năng trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong dòng chảy này, lực lượng doanh nhân trẻ đang nổi lên như một thành phần chủ lực của nền kinh tế. Với bản lĩnh hội nhập, khả năng thích ứng linh hoạt và tư duy số hóa, họ chính là những người nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thử nghiệm mô hình mới và kết nối hiệu quả với các đối tác quốc tế. Thỏa thuận Việt - Mỹ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để họ đưa sản phẩm ra thế giới, mà còn là một chất xúc tác để doanh nhân trẻ khẳng định bản lĩnh, phát huy vai trò tiên phong trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong khu vực.
Cửa lớn đã mở, ai sẽ bước qua?
Trong bối cảnh cả dân tộc đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, nơi cơ chế chính sách đang được hoàn thiện theo hướng minh bạch và hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn thấy rõ đây là một điểm nút chiến lược để bứt phá. Không có thành công nào đến nếu chỉ trông đợi từ cơ hội. Điều quan trọng hơn cả là bản lĩnh hành động, từ việc tái cấu trúc chiến lược sản xuất, đầu tư bài bản cho chất lượng, đến việc chủ động tham gia vào các liên kết ngành hàng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thỏa thuận Việt – Mỹ lần này là thành quả của một nền ngoại giao chủ động, linh hoạt, thực chất và giàu bản lĩnh – một nền ngoại giao vì doanh nghiệp, vì phát triển. Nhưng cũng từ đó, một câu hỏi đặt ra với mỗi doanh nhân là: ai sẽ dám đi trước, dám đổi mới và dám gánh vác sứ mệnh đưa thương hiệu Việt Nam đi xa?
Cánh cửa đã mở. Và thời khắc không chờ đợi. Bây giờ là lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt, trong đó đội ngũ doanh nhân trẻ là lực lượng tiên phong, cần bước qua cánh cửa ấy, bằng tinh thần khởi nghiệp quốc gia, để không chỉ là người hưởng lợi từ chính sách, mà còn là người viết tiếp giấc mơ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Trong bài đăng mới nhất trên mạng xã hội Truth Social ngày 2/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cung cấp một số thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Ông Trump viết: “Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng tôi vừa đạt được một Thỏa thuận Thương mại với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi trao đổi với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Hoa Kỳ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển.
Đổi lại, Việt Nam sẽ làm điều chưa từng làm trước đây: Trao cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận toàn diện vào thị trường của mình để giao thương. Nói cách khác, sẽ “mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ”, nghĩa là chúng ta sẽ có thể xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam với mức thuế bằng KHÔNG.
Theo quan điểm của tôi, dòng xe SUV – hay còn được gọi là xe động cơ lớn – vốn rất thành công ở Hoa Kỳ, sẽ là một mặt hàng bổ sung tuyệt vời cho các dòng sản phẩm đa dạng tại Việt Nam.
Làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Tô Lâm là một trải nghiệm vô cùng dễ chịu. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến vấn đề này!”.
Trước đó, lúc 20 giờ ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.