Bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực công chứng tại Việt Nam.

(DNTO) - Luật Công chứng 2024, có hiệu lực từ 1/7/2025, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực công chứng tại Việt Nam. Cùng với nhiều quy định tích cực khác, quy định bắt buộc phải chụp ảnh người ký với công chứng viên khi công chứng và triển khai công chứng trực tuyến… là những thay đổi được người dân hết sức quan tâm.
1. Vai trò của công chứng trong đời sống xã hội:
Công chứng do công chứng viên thực hiện, Nhằm xác nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn bản, giao dịch, đảm bảo tính chính xác, không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
Có một số loại giao dịch bắt buộc phải công chứng. Nhưng đồng thời cũng có các giao dịch thực hiện công chứng theo nhu cầu của cá nhân hoặc tổ chức, gọi là công chứng tự nguyện.

Bắt buộc phải chụp ảnh người ký với công chứng viên khi công chứng. Ảnh Internet
Công chứng được thực hiện bởi công chứng viên. Nơi để thực hiện công chứng là các tổ chức hành nghề công chứng. Bao gồm phòng công chứng (do nhà nước thành lập) và Văn phòng công chứng (do cá nhân, tổ chức thành lập).
Cần nói rõ công chứng và chứng thực không phải là một. Công chứng đảm bảo tính hợp pháp của nội dung hợp đồng, giao dịch. Còn chứng thực chủ yếu xác nhận tính chính xác của bản sao và chữ ký.
Có thể nói công chứng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn pháp lý; Phòng ngừa tranh chấp hoặc làm cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên có liên quan.
Hàng loạt thay đổi lớn trong quy trình công chứng tại Việt Nam kể từ 1/7/2025
Bắt đầu từ 1/7/2025, Luật Công chứng 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến hàng loạt thay đổi lớn trong quy trình công chứng tại Việt Nam như: Xác định rõ công chứng là dịch vụ công; Quy định về giao dịch phải công chứng; Sửa đổi quy định về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng; Triển khai công chứng điện tử…
Trong đó, các điểm nổi bật được dư luận quan tâm là bắt buộc phải chụp ảnh người ký với công chứng viên khi công chứng và triển khai công chứng điện tử.
1. Bắt buộc phải chụp ảnh người ký với công chứng viên khi công chứng
Quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch và bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch. Các bên tham gia ký kết văn bản công chứng bao gồm người yêu cầu công chứng, người làm chứng, phiên dịch (nếu có) đều phải ký vào từng trang của văn bản trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, trừ một số trường hợp theo quy định. Đặc biệt, việc ký kết này phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.
Nghị định hướng dẫn yêu cầu ảnh chụp phải đảm bảo ba tiêu chí: Nhận diện được người ký văn bản công chứng và công chứng viên thực hiện việc công chứng; Rõ ràng, sắc nét, không dễ bay màu hoặc phai mực; không được cắt ghép, chỉnh sửa, thêm, bớt chi tiết hoặc bối cảnh; Được in màu hoặc đen trắng trên giấy A4; trường hợp sử dụng giấy in ảnh chuyên dụng thì kích thước ảnh tối thiểu là 13cm x 18cm.
Nếu có người làm chứng hoặc phiên dịch, cũng cần chụp ảnh luôn những người này trước công chứng viên.
Trường hợp cần thiết, cũng có thể quay video.
2.Triển khai công chứng điện tử.
Một thay đổi có thể gọi là bước tiến lớn trong quy trình công chứng tại Việt Nam kể từ 1/7/2025 là việc chính thức triển khai công chứng điện tử với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Công chứng điện tử trực tiếp: Người yêu cầu công chứng công chứng viên trực tiếp gặp mặt nhau.
Công chứng điện tử trực tuyến: Các bên tham gia ở các địa điểm khác nhau, nhưng cùng ký kết văn bản thông qua nền tảng trực tuyến dưới sự chứng kiến online của công chứng viên.
Dù trực tiếp hay trực tuyến, kết quả sẽ được ký số và tạo thành văn bản công chứng điện tử có giá trị tương đương bản giấy và giá trị pháp lý như bản gốc.
Đặc biệt, quy trình công chứng điện tử vẫn phải chụp ảnh quá trình ký văn bản, đảm bảo theo đúng quy định mới của Luật.
Trước đây, để làm các thủ tục công chứng, người dân phải tốn thời gian đi lại, mang lỉnh kinh giấy tờ. Còn bây giờ chỉ cần có căn cước công dân là được xem xét, giải quyết rồi. Thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà có thể thực hiện giao dịch điện tử.

Triển khai công chứng điện tử.Ảnh: Internet
Giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, tiết kiệm thời gian. Đây là những thay đổi tích cực của Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025
Việc công chứng giúp các giấy tờ, hợp đồng có tính pháp lý cao, đảm bảo tính xác thực, tránh tranh chấp sau này. Vì thế người dân nên tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về từng loại giấy tờ, giao dịch cụ thể để đảm bảo việc công chứng được thực hiện đúng quy trình.