Thêm một sàn thương mại điện tử gia nhập thị trường, sân chơi dành riêng cho doanh nghiệp Xanh

(DNTO) - Sàn thương mại điệu tử EcoHub chính thức ra mắt dành riêng cho các doanh nghiệp Xanh, sản phẩm Xanh trong nước. Tuy nhiên, làm sao để sàn hoạt động hiệu quả, thực chất là điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay?
Lời giải cho sản xuất Xanh
Sản xuất Xanh đang dần trở thành một yêu cầu tất yếu với các doanh nghiệp trong nước trên con đường phát triển bền vững. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đang bắt đầu được áp dụng, đặt ra nhiều bắt buộc hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu như các tiêu chuẩn về phát thải carbon, ESG, khả năng truy xuất nguồn gốc, những điều kiện bắt buộc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khi việc đầu tư cho sản xuất Xanh đang khiến nhiều doanh chủ chật vật thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm Xanh, một sân chơi đúng nghĩa cho các sản phẩm này, cũng là câu chuyện không kém khó khăn với các doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa
Bà Lâm Thúy Ái, Tổng Giám đốc Mebi Farm, cho biết, với doanh nghiệp theo hướng sản xuất Xanh, riêng việc xử lý môi trường đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng và nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Xanh thì giá thành sản phẩm bán ra không thể rẻ được, mà nếu bán rẻ thì doanh nghiệp lỗ không thể sống được.
"Cũng giống như nhiều nông dân khác, doanh nghiệp cũng rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” trong khi đầu vào quá lớn", bà chia sẻ.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn cũng thừa nhận, doanh nghiệp chấp nhận đầu tư sản xuất Xanh còn phải chịu nhiều áp lực như bị cạnh tranh ngay đầu vào khi nhà cung ứng khó chạy theo tiêu chuẩn Xanh của doanh nghiệp; áp lực khi phải gánh thêm các khoản đầu tư; chưa kể các tiêu chuẩn sản xuất của Việt Nam và thế giới chưa có sự đồng bộ... Trong khi đó, sản phẩm lại không thể bán giá cao do nhiều yếu tố khác nhau.
Phát biểu tại buổi ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam – EcoHub “ecohub.arobid.com”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng chia sẻ, sự hình thành sàn giao dịch này sẽ là nền tảng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng, kết nối rộng rãi với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức giao dịch truyền thống trước đây.
"Điều này sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải các-bon thấp và tăng trưởng xanh", bà nhấn mạnh.
"Cần những đơn hàng thực tế"
Nhiều ý kiến đặt ra với tính thực tiễn của sàn thương mại điện tử EcoHub trong việc hỗ trợ và tạo giá trị cho doanh nghiệp.
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA chia sẻ, doanh nghiệp kỳ vọng, cùng với EcoHub, SATRA sẽ truyền tải thương hiệu doanh nghiệp đến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Satra đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Xanh khi tham gia hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp như ưu tiên vị trí trên quầy, kệ, ưu đãi giá. Hiện doanh nghiệp đang có tới 60 đơn vị thành viên, trong đó có 40 công ty liên kết, 14 công ty thành viên và 6 công ty con, khi tham gia EcoHub, doanh nghiệp sẽ đề nghị tất cả các công ty cùng tham gia.
Ông Lâm Quốc Thanh đặt ra các vấn đề như liệu EcoHub có bộ phận kiểm chứng với chất lượng sản phẩm tham gia sàn, hay EcoHub phải làm sao để xử lý các vấn đề về công nghệ như sập sàn có thể xảy ra nếu lượng truy cập nhiều?

Các đại biểu tham dự buổi lễ
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho biết, hiện tại đang có nhiều sàn thương mại nhưng người dân và doanh nghiệp luôn tìm kiếm các sàn chính thức, tạo được niềm tin. Tại đây, doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn được giới thiệu về quá trình đầu tư, giới thiệu doanh nghiệp để các doanh nghiệp xanh hóa được nhiều người biết.
"Tôi hy vọng ở đây còn cung cấp thêm các sản phẩm và dịch vụ như có giải pháp vốn cho doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi Xanh, có sự tham gia các đơn vị chuyên về giải pháp chuyển đổi Xanh, có cơ chế chính sách như thế nào khi đại bộ phận là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những điều này sẽ tăng cơ hội và lựa chọn giúp doanh nghiệp chuyển đổi Xanh", ông Hòa nhấn mạnh.
Bà Lâm Thúy Ái nhấn mạnh, bà kỳ vọng sàn thương mại phải làm sao tạo kết nối thực tiễn, tránh trưng bày và bán sản phẩm qua mùa. Theo bà, các doanh nghiệp cần đơn hàng thực tế, những con số thực tiễn chứ không thể trưng bày đẹp rồi ngừng.
Trả lời các thắc mắc trên, ông Nguyễn Hải Triều, đại diện EcoHub cho biết, sàn sẽ chú trọng làm thương hiệu cho các doanh nghiệp tham gia, như doanh nghiệp có ý tưởng trưng bày như thế nào sẽ được đội ngũ sáng tạo và công nghệ của EcoHub thiết kế.
"Doanh nghiệp muốn làm như thế nào đều có các mẫu khác biệt để chọn lựa, chỉ mất 1 giờ đến 1 giờ 30 phút là EcoHub có thể hoàn thành trang thông tin giới thiệu về gian hàng", đại diện EcoHub chia sẻ và cho biết thêm, EcoHub cũng sẽ có thêm các workshop dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng kết nối cho các doanh nghiệp này.
Theo đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, bà mong muốn được lắng nghe những góc nhìn thẳng thắn, tâm huyết từ thực tiễn, những trăn trở, khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang phải đối mặt. Bà tin tưởng rằng, với các nỗ lực của nhiều cơ quan ban ngành và người dân, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu về kinh tế xanh, phát triển thương mại điện tử bền vững trong khu vực và trên thế giới.