Hàng ngoại giá rẻ có thể ‘hạ nhiệt’ khi không được miễn thuế

(DNTO) - Việc chính thức đánh thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng có thể khiến giá cả loại hàng hóa này gia tăng, là cơ hội vươn lên của hàng nội địa.

Việc thu thuế hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu qua biên giới tạo sự cạnh tranh công bằng cho hàng nội địa. Ảnh: T.L.
Hôm nay 18/2, các loại hàng hóa nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử giá trị dưới 1 triệu đồng chính thức không còn được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Trước quy định này, nhiều dự báo giá bán hàng xuyên biên giới trên sàn sẽ tăng do phải chịu thêm khoản thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và khách hàng sẽ là người chi cho khoản tăng này.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, quy định này có thể khiến giá cả hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá cả quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là các sản phẩm có chất lượng tương đương.
Từ góc độ quản lý, quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết việc đánh thuế tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp kinh doanh trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đảm bảo việc cạnh tranh một cách bình đẳng về giá thành với hàng hóa nhập khẩu.
Theo ước tính, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng trước đây chúng ta hoàn toàn miễn thuế gây thất thoát lớn.

Nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ. Ảnh: T.L
Tuy nhiên, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước. Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, mức tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ. Trong đó phân khúc giá rẻ thấp hơn 200.000 đồng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh số và thị phần, tăng khoảng 3,7% thị phần.
Nếu trước đây, việc miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ở Việt Nam xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết đồng ý tham gia. Nhưng hiện nay, thương mại toàn cầu đẩy mạnh số hóa, giúp quá trình thông quan không còn phức tạp với các sản phẩm hàng hóa nhỏ. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới bỏ chính sách miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ.
Từ tháng 1/2021, Liên minh châu Âu đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay như nước Anh đã buộc đóng thuế với hàng hóa có giá trị dưới 135 bảng Anh. Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%.
"Việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp là hợp lý, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của chúng ta, đó là mở rộng diện chịu thuế, tránh thất thu thuế", ông Thịnh nói.