Người tiêu dùng nội địa sẵn sàng trả giá cao cho đặc sản Việt
(DNTO) - Hàng trăm gian hàng nông sản online từ các địa phương mọc lên trên các sàn thương mại điện tử, hàng chục tấn nông sản bán ra sau mỗi buổi livestream... là minh chứng cho sức hút của nông sản Việt với người tiêu dùng nội địa.
Câu chuyện thành công của những buổi livestream bán hàng với con số ấn tượng như 72 tấn cam ở Nghệ An, 50 tấn vải ở Bắc Giang hay 23 tấn bí xanh ở Bắc Kạn, 4 tấn cua Cà Mau..., là minh chứng rõ nhất cho sức tiêu thụ của người tiêu dùng Việt với đặc sản nội địa lớn thế nào.
Chia sẻ tại Toạ đàm Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, hôm 29/11, bà Nguyễn Thị Dân, Trợ lý giám đốc Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm, đánh giá hiện tại nhu cầu tiêu thụ đặc sản vùng miền đang rất cao. Tại hệ thống này, 60-80% doanh thu bán hàng đến từ các sản phẩm đặc sản vùng miền, thậm chí có thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu.
Bà Dân cho biết, điểm hấp dẫn nhất của các đặc sản vùng miền, đặc biệt sản phẩm vùng núi, hải đảo là chất lượng chứ không phải mẫu mã. Mặc dù so với mặt bằng chung, các đặc sản địa phương có mẫu mã xấu hơn nhưng có hương vị rất đặc trưng do canh tác thuận tự nhiên, thể hiện đầy đủ đặc tính của cây trồng, vật nuôi đó. Đó là điều đáng quý mà người tiêu dùng họ rất cần trong bối cảnh hiện đại, khi họ tiếp xúc với quá nhiều sản phẩm công nghiệp hay các loại cây trồng biến đổi gen.
“Khách hàng bên tôi rất thích ngô nhưng chỉ đợi đến mùa ngô nếp Mèo, vì nó dẻo, thơm; còn các loại ngô dẻo, ngô nếp thông thường họ không cảm nhận được hương vị đó. Hay đơn giản như quýt Lục Yên, Phù Yên, khách sau khi ăn xong họ sẵn sàng trả giá 100.000 đồng/kg để mua tiếp, còn quýt Úc tuy cũng ngọt, vỏ mỏng nhưng lại không thu hút”, bà Dân.
Thực tế theo báo cáo gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Công thương cũng cho thấy tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.
Khảo sát tại một số siêu thị cũng ghi nhận hàng Việt Nam được trưng bày tại hệ thống quầy, kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và chiếm tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập, trong đó, thực phẩm chiếm đa số.
Đơn cử tại chuỗi siêu thị GO!/Big C, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%, với khoảng 45.000 mã hàng hóa các loại. Tại chuỗi siêu thị WinMart, WinMart+, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80% đến 90% số lượng, chủng loại hàng hóa. Trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.
Ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn thương mại điện tử Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn) của VNPost (trước là sàn Postmart), đơn vị thành công đưa đặc sản như vải Bắc Giang, mận Sơn La, cam Cao Phong (Hòa Bình), dưa lưới Ninh Thuận... lên bán online, cho biết để thu hút người tiêu dùng, sản phẩm địa phương cần đảm bảo chất lượng.
Do vậy, quy trình chọn lựa sản phẩm từ nhà vườn, từ hộ sản xuất tại Nông sản Bưu điện rất nghiêm ngặt. Điều kiện đầu tiên để bước lên sàn là phải đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành như VietGap, Global Gap.
Ngoài ra, với các sản phẩm nông sản tươi, thời gian và nhiệt độ khi giao hàng là quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Khâu hậu cần vì vậy rất phức tạp. Đơn vị này phải tận dụng mạng lưới hơn 13.000 bưu cục trải dài khắp đất nước cùng hệ thống đối tác để tối ưu về cung đường vận chuyển, kho vận để thời gian giao hàng đến khách hàng một cách nhanh nhất.
“Mỗi loại mặt hàng sẽ có quy chuẩn đóng gói riêng để đảm bảo chất lượng”, ông Tiến nói.
Vị này cũng cho biết để làm gia tăng giá trị văn hóa của sản phẩm, cần thông qua việc kể các câu chuyện về sản phẩm và nêu ra sự khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, cần tập trung marketing, bán hàng, livestream trên các nền tảng số để thu hút người mua và thúc đẩy đơn đặt hàng.
Đại diện hệ thống siêu thị Bác Tôm cũng đồng tình với việc ngoài thưởng thức hương vị, việc sử dụng các đặc sản vùng miền giúp khách hàng nhớ lại nét văn hóa đặc trưng của địa phương đó. “Đây là điểm thuận lợi để đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm”.
Tuy nhiên, do canh tác thuận tự nhiên cùng yếu tố vùng miền nên quá trình sản xuất nông thủy sản địa phương đa phần chưa áp dụng khoa học kĩ thuật vào canh tác. Điều này khiến sản lượng thấp, gây khó khăn cho nhà thu mua.
“Ví dụ vùng sản xuất măng le Gia Lai chủ yếu do phụ nữ làm chủ, tuy nhiên họ lại không biết chữ, nên không thể kí hợp đồng, sản lượng ít do họ không tập trung canh tác. Mỗi lần thu mua, chúng tôi phải gom 200-300 kg mới đủ một chuyến gửi xe, vì vậy rất vất vả để động viên và thuyết phục họ. Hay các đặc sản vùng đảo Phú Quốc, Lý Sơn mỗi lần đánh bắt tự nhiên số lượng rất ít, nên cước vận chuyển cao, chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng”, đại diện hệ thống siêu thị Bác Tôm nói.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế trên và nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng khoa học kĩ thuật vào canh tác, nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, chú trọng vào hoạt động kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương.
“Bộ Công thương tiếp tục bám sát các mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo tại thị trường trong và ngoài nước”, ông Tuấn nói.