Xuất khẩu sầu riêng cấp đông: Tiềm năng nhiều, thách thức lớn
(DNTO) - Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể giúp thêm khoảng 30% sản lượng, tuy nhiên việc chuẩn hóa chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là nút thắt quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch hút thêm ngoại tệ, tạo lực kéo cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này...
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản 9 tháng qua đạt 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%. Đơn cử, xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt gần 4 tỷ USD; mặt hàng rau quả cán mốc 4,8 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD, tức kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi tháng 10 này, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch. Sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động 42.000-95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp nông hộ đạt lợi nhuận lớn từ loại trái cây này.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn hiện hữu trong những tháng cuối năm. Đại diện các doanh nghiệp đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí đầu tư cao. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống cấp đông tiên tiến, kho lạnh và các trang thiết bị liên quan, điều này tạo ra gánh nặng tài chính lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể giúp thêm khoảng 30% sản lượng, tuy nhiên đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói, nên chi phí đầu tư đang bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp tham gia mảng này...", ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai) cho hay.
Bà Vũ Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Vusavi cho rằng, khó khăn tiếp theo là tăng chi phí vận hành. Việc duy trì nhiệt độ thấp trong suốt quá trình vận chuyển và bảo quản đòi hỏi chi phí năng lượng và kho bãi, từ đó có thể tăng chi phí vận hành, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, hứa hẹn đột phá kim ngạch xuất khẩu trái cây này trong thời gian tới.
"Việc chuẩn hóa chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là nút thắt quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch hút thêm ngoại tệ cũng như tạo lực kéo cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới", ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tại "Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc", mới đây.
Thông tin chi tiết về quy định "khó" của nghị định thư, ông Hiếu chỉ rõ: Sầu riêng phải được đông lạnh ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế...
"Làm sầu riêng cấp đông trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế. Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống cấp đông tiên tiến, kho lạnh và các trang thiết bị liên quan, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế", ông Hiếu nói.