Cơ hội thu thêm tỷ USD tại thị trường Trung Quốc và bài toán chuẩn hoá chất lượng nông sản Việt
(DNTO) - Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, gia cầm… dự báo là những cái tên được nối dài trong câu lạc bộ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Song, để rinh về tỷ USD từ thị trường này, doanh nghiệp cần định vị lại sản phẩm của mình, phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài.
Nối dài chuỗi xuất khẩu mặt hàng chủ lực
Số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 trong 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam ở ngành hàng nông lâm thủy sản. Trung Quốc đang chiếm 19,2% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ở ngành hàng này.
Đơn cử như với xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đang xếp thứ hai (sau Mỹ), tiềm năng còn rất lớn. Theo nhận định mới đây từ SeafoodSource (nguồn tin tức hàng đầu về ngành thủy sản quốc tế), sự e dè của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại đã buộc các nhà nhập khẩu thủy sản trong nước phải tập trung vào các loài rẻ hơn, đặt cá tra Việt Nam vào vị trí đắc địa để tận dụng lợi thế.
Cùng với đó, xuất khẩu tôm vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đã đạt kim ngạch 240 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, được xem là mức tăng trưởng rất mạnh. Tôm Việt Nam ở thị trường này mặc dù đang phải cạnh tranh về giá so với hai đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ, tuy nhiên người tiêu dùng ở đây sẵn sàng mua với giá cao vì tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn.
Tương tự, xuất khẩu rau quả đang thu về gần 3 tỷ USD (tăng hơn 28% so cùng kỳ năm 2023), trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Riêng với trái cây “vua” như sầu riêng, nước này chiếm 92% tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, so với cùng kỳ năm rồi đã tăng 8%.
Tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc, bao gồm 12 loại rau quả như dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn và mít. Các sản phẩm khác như tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, sữa và thủy sản cũng đã có mặt tại thị trường Trung Quốc.
Dự báo các mặt hàng có thể được điểm tên tiếp theo là dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, khi trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin rằng, hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới. Theo đó, hai bên sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật, "rộng đường" cho quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Có thể thấy, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc mở cửa thị trường, các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội để khai thác thị trường tỷ dân này.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này từ năm 2022, bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vĩnh Khang cho hay, từ khi ký Nghị định thư, mỗi một vụ, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 60 container, mỗi công hàng khoảng 18 tấn sầu riêng tươi. Giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
"Doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để có thể được tham gia xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường này. Sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái, trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hơn, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm", bà Giang nói.
Doanh nghiệp phải định vị lại sản phẩm
Có thể thấy với vị thế đứng thứ 2 trong 3 thị trường top đầu về xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam thì những dữ liệu khả quan như kể trên là khá ấn tượng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp không nên chủ quan mà cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn ở thị trường 1,4 tỷ người. Bởi lẽ tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Trung Quốc hàng năm vào khoảng 260 tỷ USD thì thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm vỏn vẹn chưa đến 5%.
Với kinh nghiệm của một người bản xứ làm đại diện cho một doanh nghiệp Việt trong hàng nông sản thực phẩm có nhiều năm thâm nhập sâu vào thị trường tỷ dân này, ông Lý Tứ Xuyên, đại diện của CTCP Vinamit tại Trung Quốc, có lưu ý một số vấn đề về mặt cạnh tranh địa phương. Đó là Trung Quốc có số lượng lớn các công ty thực phẩm địa phương và sự cạnh tranh rất khốc liệt.
"Thời điểm này là lúc các doanh nghiệp định vị lại sản phẩm của mình. Tất nhiên có sản phẩm phân khúc bình dân nhưng đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài. Các doanh nghiệp cần áp dụng 3 chiến lược, gồm chất lượng, khác biệt hóa thương hiệu, hợp tác và mở rộng bài học", vị chuyên gia đưa lời khuyên.
Trong đó nhấn mạnh, việc chuẩn hóa chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là nút thắt quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như tạo lực kéo cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới.
"Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng, doanh nghiệp phải cải tiến ở khâu hạ tầng logistics và nâng cấp công nghệ bảo quản để giữ ổn định chất lượng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc", ông Xuyên lưu ý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng sức ảnh hưởng của thương hiệu để tung ra thị trường các loại thực phẩm nhập khẩu đặc biệt và tạo dựng hình ảnh cũng như định vị thương hiệu độc đáo. Mặt khác, các nhà xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt nên tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty địa phương của Trung Quốc để cùng phát triển thị trường, thiết lập các kênh bán hàng và hệ thống chuỗi cung ứng ổn định.