Đón sóng tăng giá, doanh nghiệp xuất khẩu cần gia cố nội lực để chạy đơn hàng đầu năm
(DNTO) - Ồ ạt nhiều lô hàng nông lâm thuỷ sản đầu năm 2024 được các "ông lớn" Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN... ký hợp đồng, là chỉ dấu tích cực cho một năm xuất khẩu hiệu quả. Việc gỡ nút thắt về tín dụng, thị trường tiêu thụ, thủ tục hành chính... trong lúc này rất cần thiết để doanh nghiệp đáp ứng tốt đơn hàng.
Doanh nghiệp chủ lực tích cực 'chạy' đơn hàng
Gạo, cà phê, rau quả, các sản phẩm gỗ và thủy sản đã có những bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu những tháng đầu năm 2024, nhiều đơn hàng xuất khẩu ngành hàng chủ lực đã được các doanh nghiệp giao tới đối tác trên thế giới.
Từ mức giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg vào năm ngoái, đầu năm nay giá cà phê đã lên mức hơn 80.000 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đánh giá, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. "Niên vụ này, những nước sản xuất cà phê lớn như: Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10 - 15%".
Đón "sóng" tăng giá, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More thông tin, trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (mồng 6 Tết) đã khẩn trương đưa hàng ra cảng Cát Lái thẳng tiến đến thị trường Úc. Hai container loại 40 feet, mỗi container chứa khoảng 18 tấn cà phê nông sản các loại như cà phê nhàu, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê muối… sẽ cập bến tại Úc khoảng 18 ngày sau đó. Ngoài ra, đơn vị cũng đang khẩn trương làm 1 container đi vào thị trường Mỹ ngay trong tháng Giêng.
Hưởng lợi về giá xuất khẩu, lúa gạo cũng ghi nhận sức tăng trưởng cao. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho hay, các khách hàng như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và nhiều thị trường lớn khác tiếp tục gia tăng đặt hàng. Doanh nghiệp đang gấp rút thực hiện để trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán, cao nhất trong số các hợp đồng là đơn hàng gạo của Chính phủ Indonesia (Bulog) lên đến 65.000 tấn.
Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, cho hay, ngay trong ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An vừa giao xong lô gạo thơm đi EU và xuất khẩu sang Malaysia tổng cộng hơn 1.000 tấn gạo.
Với đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang tăng tốc xuất khẩu. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.
Đáng chú ý, gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm các ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt giá trị tỷ USD ngay trong tháng đầu năm. Ước tính tháng 1 và tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 2 tỷ USD, chiếm gần 30% trong tổng số giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Ông Hà Quốc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Hải Minh (Bình Dương) cho biết, năm 2024, tình hình xuất khẩu của công ty rất tích cực đã ký được 4 hợp đồng lớn xuất đi Mỹ và các nước châu Âu nên ước tính đến hết quý II, sau khi thực hiện hết các hợp đồng vừa ký doanh thu sẽ đạt 80% kế hoạch đề ra.
Nhận định chung về triển vọng của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, thị trường đang phục hồi tốt, nhiều mặt hàng tăng đột biến, trong đó xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng từ 53% đến hơn 80% tùy mặt hàng. Năm 2024 là năm tăng tốc, số lượng đơn hàng tháng đầu năm tăng, báo hiệu một năm kim ngạch xuất khẩu thuận lợi”, ông Tiến nhìn nhận.
Chỉ dấu tích cực cho doanh nghiệp phục hồi
Dù đón nhận những chỉ dấu tích cực, song, nhìn vào bức tranh chung của thị trường, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn, làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu, nhất là sức mua của thị trường vẫn yếu, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt...
Mới đây, việc các ngân hàng sẽ tiếp tục bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản, được xem là tin vui, trợ lực lớn giúp doanh nghiệp lâm, thủy sản phục hồi, phát triển. Bởi lẽ, có vốn, doanh nghiệp tiếp tục tích trữ nguyên liệu - dòng máu nuôi sống các nhà máy chế biến. Còn nông dân có thêm động lực thoát cảnh phải "treo ao".
"Nếu các hoạt động này được duy trì và phát triển, sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá.
Với những dấu hiệu phục hồi tăng trưởng tốt như hiện nay, ngân hàng sẵn sàng mở rộng thêm hạn mức cho vay ưu đãi để phục vụ đơn hàng xuất khẩu trong năm nay. “Thị trường bắt đầu hồi phục vào cuối năm ngoái và sang đầu năm nay, nhiều thông tin về đơn hàng xuất khẩu rất tích cực đối với các doanh nghiệp lâm, thuỷ sản. Thời điểm này, các doanh nghiệp nên tiếp cận vốn khi đã có các hợp đồng đầu ra thì tích trữ hàng để sẵn sàng xuất khẩu khi thị trường hồi phục hoàn toàn”, các ngân hàng khẳng định.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định: Năm 2024, trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Vì thế, ông Hùng đưa ra kiến nghị gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn. "Việc gia hạn trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm sẽ giúp chính sách có tính ổn định và các doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch dài hạn cho hoạt động".
Để thêm trợ lực cho doanh nghiệp, trao đổi tại Talkshow Phố Tài chính ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho hay, ngoài vấn đề tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 từ 10% xuống 8%, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường trong xăng dầu và giảm các loại phí và lệ phí, cũng như giảm 3% tiền thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn...
“Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp thì không chỉ là các biện pháp giảm thuế mà còn cần nhiều biện pháp khác như tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý, các thủ tục hành chính, mở rộng thị trường tiêu thụ...”, Bộ trường nói, đồng thời cho rằng, về dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công, giúp đảm bảo cho bội chi ngân sách thấp thì chúng ta phải có giải pháp để cho tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về xuất thuế ổn định.