Đơn hàng được lấp đầy 70-80%, xuất khẩu gỗ dẫn đầu 'câu lạc bộ' tỷ USD của ngành nông nghiệp
(DNTO) - Thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng của năm 2023, ngành nông nghiệp ghi nhận có 9 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Ghi dấu ấn đột phá "quán quân" là kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng 5,7% so với tháng trước đó. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức khỏe các doanh nghiệp đang dần hồi phục.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, trong 10 tháng của năm 2023, 9 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD là thủy sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%, rau quả 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%, gạo 3,97 tỷ USD, tăng 35%, cà phê 3,32 tỷ USD, giảm 0,2%, hạt điều 2,92 tỷ USD, tăng 20,8%, cao su 2,16 tỷ USD, tăng 0,1%, sắn và sản phẩm từ sắn 1,03 tỷ USD, giảm 9,1%.
Đặc biệt, lội ngược dòng sau nhiều tháng liên tiếp bị nằm đáy, hoặc tăng trưởng lẹt đẹt, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã bứt phá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9 và đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 10,8 tỷ USD. Dù vẫn giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022, song tính đến hết tháng 10 năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Trong đó, châu Mỹ và châu Á vẫn là thị trường chính, lần lượt chiếm 56,4% và 37,2% tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ. Đáng chú ý, trong quý 3/2023, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,6 tỷ USD, tăng 10% so với quý 2/2023. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi.
Đây cũng là tháng đầu tiên đánh dấu giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này xuất sang thị trường Mỹ tăng trưởng dương trở lại sau nhiều tháng liên tiếp của gần 1 năm qua bị sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế, lạm phát tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ.
"Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm, bởi trị giá xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, tình hình sản xuất bắt đầu khá hơn so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp lạc quan khi ký thêm được các đơn hàng mới, tuy không nhiều bằng thời kỳ hưng thịnh, nhưng cũng đạt 70-80% so với cùng kỳ những năm trước, đủ việc cho công nhân sản xuất, nhà máy vận hành. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại, hoặc tuyển thêm lao động.
"Những tháng gần đây, lượng gỗ các doanh nghiệp nhập khẩu về tăng từ 5-10%, đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu cho những đơn hàng cuối năm và đầu năm sau”, HAWA cho biết, có đơn hàng nên 2/3 số công nhân nghỉ tạm thời tại các tỉnh như Bình Dương, Bình Định nay đã quay lại làm việc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực. Phải kể đến gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực gỗ và thuỷ sản mới giải ngân được khoảng một nửa. Gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất khi nhận được đơn hàng xuất khẩu mới.
Vài tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi trở lại, dự kiến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta ước đạt khoảng 13,6-14 tỷ USD, dù con số này giảm so với mức kỷ lục gần 17 tỷ USD của năm 2022, song, các doanh nghiệp ngành gỗ đang có những thay đổi tích cực. Với đà phục hồi này, xuất khẩu gỗ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 53-55 tỷ USD trong năm nay.
"Nhiều năm nay, doanh nghiệp thường nhận đơn hàng qua đơn vị trung gian, tức "ngồi chờ đơn hàng" đợi khách tìm đến mình. Thì giờ đây, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng từ thị trường truyền thống, thị trường ngách, thậm chí tìm kiếm khách hàng ngay tại thị trường nội địa.... giúp ký được đơn hàng mới ổn định sản xuất đến hết năm", Thứ trưởng nhìn nhận.
Đồng thời nhấn mạnh, hiện những thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ, châu Phi được kỳ vọng có thể bù đắp doanh số thiếu hụt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
"Kể từ cuối quý 3 đến nay, Việt Nam đều xuất khẩu bình quân nhóm hàng này khoảng 1,1 tỷ USD. Dù chưa thể so sánh với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn sang các nước lân cận như Trung Quốc hay Indonesia, rõ ràng họ đang khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Đặc biệt là Trung Quốc đang gặp khó ở thị trường Mỹ, đây cũng là cơ hội cho ngành gỗ Việt.
Điều các doanh nghiệp cần làm ngay là cải tiến mẫu mã, tăng "chất" cho sản phẩm, hạ giá thành để bắt kịp sự chuyển hướng của thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới chuẩn bị cho năm 2024", Thứ trưởng khuyến nghị.