Để 'kéo' đơn hàng, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nỗ lực hoạt động 80% công suất
(DNTO) - Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực "trở lại đường đua" với 70-80% công suất, cùng các chính sách về thu hút lao động, sự chủ động về nguyên, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao, linh hoạt với các phương án tổ chức sản xuất trong bối cảnh bình thường mới...để từng bước kéo đơn hàng trở lại.
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới”, ngày 29/10, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, hiện dịch bệnh tại các trung tâm chế biến gỗ đang dần được kiểm soát, với các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho hồi phục và quay trở lại sản xuất. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã đi vào ổn định sản xuất nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ.
Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng trở lại như mức tăng trưởng của 6 tháng đầu 2021 trước khi dịch bùng phát trở lại sẽ cần thời gian. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần xây dựng phương án cụ thể về thu hút lao động trở lại làm việc, có thêm các nguồn tài chính, sự chủ động về nguyên, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao cùng với các phương án tổ chức sản xuất trong bối cảnh bình thường mới... để vừa chống dịch hiệu quả, vừa kéo đơn hàng trở lại.
Về vấn đề này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ cho biết, họ đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng đang rất dồi dào. Các chính sách đều đã có các kế hoạch triển khai với việc thay đổi chiến lược kinh doanh.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam chia sẻ, trong phòng chống dịch vừa qua công ty xác định nhà máy tách biệt với xã hội và triển khai sớm hơn địa phương yêu cầu 1 tuần. Để duy trì được sản xuất, và nhanh chóng có đơn hàng, công ty đã lập danh sách khách hàng quan trọng là các nhà cung cấp để đặt mua trước nguyên liệu, phụ liệu đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời gian dài.
"Đầu tháng 11, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sản xuất “3 xanh”. Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua sắm thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt. Công ty cũng phân khu vực sản xuất theo từng nhóm để nếu có nhân công bị F0 sẽ dễ dập dịch", ông Nhật cho hay.
Ông Justin Wheatcroft, Giám đốc Công ty Square Roots cho biết, với có 85% lao động quay trở lại làm việc. Hiện Square Roots đã hoạt động được 75% công suất so với trước khi có dịch và doanh nghiệp đang cố gắng đạt được 100% trước Tết.
Trước tình hình chi phí nguyên, phụ liệu trong chế biến gỗ tăng cao, mỗi doanh nghiệp đã có những ứng phó riêng của mình. Công ty Square Roots cố gắng đẩy nhanh xây dựng chiến lược về giá để khách hàng hiểu hơn về nguyên nhân giá sản phẩm tăng.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch BIFA cho biết đã mạnh dạn đề xuất cho doanh nghiệp được chủ động chống dịch và hậu kiểm. Bình Dương đã được bao phủ lượng vaccine mũi 1 đạt gần như 100%, mũi 2 gần đạt 70% thì không có lý gì giãn cách vì điều này chỉ gây ách tắc mà thôi. Vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm về nguồn lực lao động an toàn dịch bệnh là điều rất nên làm và đã phát huy hiệu quả".
"Hầu như các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất với giải pháp "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh), chúng ta quay lại sản xuất trong tình hình mới, đồng nghĩa với chúng ta trở lại sản xuất trong dịch bệnh, có thể còn nhiều chủng virus nguy hiểm, nhưng vấn đề đảm bảo "3 xanh" là hết sức quan trọng. Chúng tôi có phòng khử khuẩn, lao động đến sản xuất phải đi qua phòng khử khuẩn này và thực hiện 5K", ông Hiệp nhấn mạnh.