Khó đáp ứng '3 tại chỗ', hơn 50% doanh nghiệp đồ gỗ phải đóng cửa, giảm sản xuất
(DNTO) - Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, có hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất, kéo theo kim ngạch xuất khẩu gỗ liên tục “lao dốc”.
Nhận diện những khó khăn
Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã làm co hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Định đều không thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định, khiến nguồn cung cho thị trường ảnh hưởng.
Cụ thể, trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm rất sâu ở hầu hết các thị trường. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 20,3% so với giá trị kim ngạch của tháng 6; Trung Quốc giảm 23,4%; EU giảm 19,7%; Hàn Quốc giảm 10%; Canada giảm 10,1%...
Sự sụt giảm mạnh ở khá nhiều thị trường trọng điểm đã khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tháng 7 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với kim ngạch xuất khẩu của tháng 6/2021.
Đặc biệt, sang tháng 8, đà giảm tiếp tục lao dốc trầm trọng, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 373,8 triệu USD, tương đương 45,5%, giảm hơn 22% so với tháng 7.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành gỗ, tại Hội nghị giao ban về chế biến gỗ và lâm sản tổ chức ngày 7/9, ông Bùi Công Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thống kê, hiện nay, đã có hơn 50% doanh nghiệp chế biến gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.
Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" đã tăng khoảng 20-30%, tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng từ 15-20% người lao động được tiêm vaccine.
Hơn nữa, nguồn vật tư nguyên liệu đang cạn kiệt dần. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang hy vọng, từ 15/9, khoảng 30-40% doanh nghiệp miền Nam, nhất là tại TP.HCM hoạt động trở lại để cung ứng được vật tư nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là khó khăn về dòng tiền để phục hồi sản xuất. Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.
Chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần), điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18 - 20 nghìn USD/1 container, với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn.
Với những khó khăn trên, hầu hết các doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng. Dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.
Nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine để "vực" ngành gỗ
Trước những khó khăn bủa vây ngành gỗ, để không bỏ lỡ mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiến nghị chỉ có đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động thì mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất.
Các địa phương cần tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế.
"8 tháng cả nước nhập siêu 31,7 tỷ USD, trong khi ngành gỗ tạo ra xuất siêu rất lớn, đây là điểm đặc biệt của ngành, cho thấy ngành đem lại nguồn ngoại tệ lớn. Chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng việc xếp người lao động vào vị trí thứ 13 được ưu tiên tiêm vaccine là chưa hợp lý, cần nâng lên vị trí thứ 8 trong danh sách ưu tiên tiêm", ông Lập kiến nghị.
Cũng theo ông Lập kiến nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời, giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp ngành gỗ có đủ thời gian ổn định sản xuất.
Trước kiến nghị của các hiệp hội, hội, Doanh nghiệp ngành gỗ, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, ngành lâm nghiệp cần xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất an toàn, để không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống, mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau.
"Những khó khăn, thách thức hiện nay cũng cho thấy các cơ hội trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài, doanh nghiệp ngành gỗ không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.