Những 'rào cản' nào đang trói buộc ngành gỗ?
(DNTO) - Mặc dù có mức tăng trưởng cao, song vẫn còn nhiều rào cản khiến tình hình xuất nhập khẩu gỗ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tính bền vững không ổn định. Do đó, để đạt mục tiêu 14 tỷ USD, ngành gỗ vẫn còn nhiều việc phải làm trong những tháng cuối năm...
Tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nhiều thách thức
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 62,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU.
Ông Nguyễn Thanh Được - Giám đốc Công ty CP gỗ Dầu Tiếng cho hay, năm 2020 dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của công ty, nhưng hiện nay các nhà máy của công ty sản xuất tới đâu xuất khẩu đến đó. Công ty cũng đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế khác.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, đây là hiệu quả của sự hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU cũng như việc triển khai các hiệp định FTA giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được với các thị trường truyền thống. Kết quả đạt được trong xuất khẩu gỗ và lâm sản của ngành bám sát với những kịch bản mà Tổng cục xây dựng thời điểm đầu năm.
Cũng theo ông Nghĩa, năm nay, chế biến sâu các sản phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tăng cao, các mặt hàng nội thất cũng đã có sự tăng trưởng lớn với mức 40%. Sản phẩm dăm, viên nén vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm ngoái. Như vậy, từng bước, ngành chế biến gỗ đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch lớn từ sản xuất các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì ngành lâm nghiệp nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng còn nhiều thách thức.
Thứ nhất, chi phí logistics đang tăng cao, thiếu vỏ container vẫn đang tiếp diễn, giá cước vận tải đường biển tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài ra, việc tăng trưởng quá lớn tại một số thị trường trọng điểm dẫn đến những áp lực, làm thế nào để có thể cân đối hài hòa việc phát triển thương mại giữa các quốc gia.
Thứ hai, dịch Covid-19 tái bùng phát ở châu Âu, Mỹ làm giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu và cước vận chuyển tăng. Một số đơn hàng xuất khẩu bị chậm do với kế hoạch. Vì thế, giá gỗ nhập khẩu từ Mỹ tăng 40% đến 60% so với năm 2020.
Thứ ba, số vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam đang có xu hướng tăng. Chẳng hạn, những rủi ro thương mại khi Mỹ đang điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ và điều tra thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán. Hàn Quốc, Ấn Độ đang có những điều tra liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Một số mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tăng đột biến như ghế khung gỗ, đồ nội thất văn phòng rất dễ bị điều tra chống bán phá giá.
Thứ tư, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy sản xuất và gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu. Chẳng hạn, nguồn gỗ từ miền Bắc, miền Trung, các phụ liệu sơn từ Bình Dương, Đồng Nai bị ảnh hưởng và vận chuyển khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, trước đây ngành gỗ phát triển tốt một phần nhờ vào lực lượng nhân công giá rẻ. Lực lượng này chủ yếu tham gia sản xuất dăm gỗ và những sản phẩm gỗ “rẻ tiền”, nay thị trường này đang mất dần cho nên cần phải có đội ngũ công nhân có tay nghề giỏi, tạo ra sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh cao thay thế.
Thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp gỗ không đủ năng lực tài chính nhập thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại và đào tạo nhân lực có chất lượng để cạnh tranh trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa. Nếu không đầu tư, sớm muộn những doanh nghiệp loại này cũng rơi vào tình trạng phá sản.
Tháo gỡ rào cản để phát triển
Tại Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, những tháng cuối năm 2021, ngành lâm nghiệp phải hết sức cẩn trọng, bởi dịch Covid-19 khó lường, đặc biệt là những rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
"Đề nghị ngành lâm nghiệp cần lên kịch bản, lường hết tất cả các khó khăn, từ sản xuất, lưu thông đến xây dựng các chuỗi giá trị, để từ đó xây dựng các phương án cụ thể, nếu có bất thường xảy ra sẽ không bị lúng túng. Mặt khác, cần có biện pháp làm bài bản, trước mắt và lâu dài, cần chuyển từ sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp”, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm Nghiệp cho biết, để tháo gỡ những rào cản về thương mại, đặc biệt tại thị trường Mỹ, cần tập trung giải quyết truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm.
"Cần tăng cường rà soát, đối chiếu giấy phép của các loại gỗ nhập khẩu theo Công ước về thương mại quốc tế, đồng thời công bố công khai minh bạch giấy phép đã được cấp để doanh nghiệp và các quốc gia xuất khẩu gỗ nắm được. Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ để sản xuất nhiều loại sản phẩm trong chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm", ông Trị cho hay.
Ngoài ra, theo ông Vũ Quang Huy – Chi hội trưởng Chi Hội gỗ dán, từ tháng 10/2020 đến nay, khối lượng ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng rất lớn. Việc các thương lái tăng cường mua gỗ ván bóc để xuất đi Trung Quốc đã khiến nguyên liệu này ở trong nước thiếu hụt trầm trọng, giá tăng cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán xuất khẩu trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của ngành gỗ dán nước ta.
"Cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán. Bên cạnh đó, có các biện pháp hữu hiệu để giám sát và cảnh báo sớm nhằm tránh nguy cơ bị các thị trường lớn cáo buộc và áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam...", ông Huy đề nghị.
Về Phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng.
Cùng với đó, chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, doanh nghiệp cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu.