Chế biến sâu: "Chiếc đũa thần" cho nông sản Việt thăng hạng
(DNTO) - Đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời giải quyết tốt nhất tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chế biến là giải pháp để giải bài toán "giải cứu nông sản"
Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Những thành quả đó góp phần đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở 196 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Có thể nói, đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời giải quyết tốt nhất tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong tình hình hiện nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến xuất, nhập khẩu nông sản của nhiều quốc gia, công nghiệp chế biến lại càng chứng minh vai trò quan trọng của nó đối với nông, lâm, thủy sản.
“Nếu thị trường không nở ra, cầu không tăng mà cung tăng thì ắt phải giảm giá. Và câu chuyện giải cứu nằm ở khúc cua của quy luật thị trường khi bị mất cân bằng cung với cầu" - ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết khi được hỏi về lời giải cho câu chuyện giải cứu.
Điển hình từ đầu tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến giao thương tại các cửa khẩu biên giới bị đình trệ, dẫn đến tình trạng các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu bị ùn ứ, không thể thông quan. Hàng trăm nghìn tấn thanh long tại các địa phương sản xuất chủ lực như Bình Thuận, Long An... đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.
Trong bối cảnh đó, chuỗi hệ thống bánh ABC của đầu bếp Kao Siêu Lực đã cho ra mắt món bánh mì thanh long nhằm ‘’giải cứu’’ mặt hàng này. Nhờ chế biến sâu, thanh long không chỉ là mặt hàng buộc phải xuất tươi mà hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu cho một sản phẩm mới bán rất đắt hàng và cho giá trị cao hơn hẳn so với thông thường. Đặc biệt, nó mở ra một hướng đi mới cho việc sử dụng sản phẩm thanh long về lâu dài.
Cũng tập trung vào khâu chế biến, Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh đưa ra hơn 20 sản phẩm bột rau gồm bột rau má, bột rau tía tô, bột rau diếp cá, bột rau chùm ngây, bột rau cần tây, bột rau lá sen, bột khoai lang, bột rau ngót, bột bông cải xanh… được xuất khẩu đi hàng loạt thị trường khó tính trên thế giới với giá trị cao.
Đáng chú ý nhất là Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) cũng áp dụng công nghệ sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm tiêu, cà phê, măng khô, khoai sấy dẻo…
Trước đó, mức giá trung bình chỉ vài chục ngàn đồng/kg nếu thu hoạch và bán thô cây tiêu. Do đó, nhiều khi tiền bán tiêu thô không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất, không đủ tiền công hái nên bà con bỏ rẫy không thu hoạch.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ chế biến, hợp tác xã đã làm ra các sản phẩm tiêu chất lượng cao theo quy trình hữu cơ; chuyển từ bán thô sang bán các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính.
Từ mức giá 80.000 đồng/kg ban đầu, nay giá tiêu qua chế biến được nâng lên tới 300.000 đồng/kg bán sỉ và 500.000 đồng/kg bán lẻ. Đây là một bước tiến đáng kể để nâng tầm giá trị hạt tiêu Việt Nam.
Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Chính việc chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm từ gạo, trái cây, rau củ… đã phần nào giải được bài toán tồn đọng, ùn ứ nông sản hay thiếu kho lạnh dự trữ. Chế biến luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, trong bối cảnh hiện nay lại càng chứng minh cho điều đó, đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các sản phẩm chế biến như đồ hộp, đông lạnh, cô đặc, sấy... dự kiến sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh do tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng, nhất là tại các thị trường Việt Nam vốn đã có lợi thế và đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
“Giá trị gia tăng của nông sản nằm ở công nghệ chế biến. Nếu có công nghệ bảo quản tốt sẽ là "chiếc đũa thần" giúp nông sản tạo ra nhiều giá trị, góp phần tăng thu nhập cho nông dân" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu”
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, “nông nghiệp là hồng phúc của Việt Nam”. Không chỉ giúp ổn định kinh tế, chính trị trong nước, nông nghiệp còn giúp Việt Nam xây dựng được hình ảnh, vị thế trên thương trường quốc tế.
Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp: đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”; là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; có đủ năng lực chế biến; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để duy trì, nâng cao vị trí thống lĩnh thị trường nông sản thế giới, mang lại lợi ích xứng đáng cho nông dân, đòi hỏi ngành công nghiệp chế biến phải tăng tốc để nông sản Việt Nam thoát cảnh xuất thô cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới hái tiền.
"Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam phải đẩy mạnh, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xem là nội dung căn bản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả" - ông Hoan cho hay.
Cũng theo ông Hoan, phải chăm lo để từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh, từ đó liên kết với bà con nông dân hình thành các tổ chức sản xuất với chuỗi khép kín, tiến tới tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, thắng lợi trong hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, là đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.