Nông sản Việt cần những bước đi 'bài bản' để tiến xa
(DNTO) - "Nông sản Việt cần có những lộ trình bài bản hơn nữa để phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế, xứng với tiềm năng vốn có, đồng thời hình thành khối thị trường bền vững tại nhiều quốc gia, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đi đúng hướng
Trong những năm qua, nông sản của nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, khẳng định vị thế tại các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… . Những đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng ghi nhận, lượng nông sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam đều tăng mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng 45,8%, Trung Quốc tăng 39,5%, Hàn Quốc tăng 9,5%, Nhật Bản tăng 3,4%.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 là 15 tỷ USD, hướng tới mục tiêu lớn hơn: Năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 50-51 tỷ USD và đến năm 2030 là 60-62 tỷ USD,đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế... ngành nông nghiệp hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt...
Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đi đúng hướng khi tập trung nâng cao chất lượng và tìm vào những phân khúc thị trường tiềm năng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam cần có những bước đi cụ thể hơn nữa để phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng vốn có.
"Muốn tiến xa, nông sản Việt Nam phải xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn với điều kiện địa lý xa, tiêu chuẩn chất lượng cao… Do vậy, các doanh nghiệp phải tập trung phát triển công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến hiện đại, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn từ phía các thị trường nhập khẩu lớn, tiềm năng; đồng thời, hình thành khối thị trường bền vững tại nhiều quốc gia, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống", Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hà Công Tuấn nhận định.
Cũng thừa nhận những mặt hạn chế của nông sản Việt, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Hoạt động kết nối cung cầu hiện đang là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này lý giải tại sao năng suất của nhiều loại nông sản của chúng ta cao nhất thế giới nhưng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu xuất dưới dạng thô, hàm lượng chế biến trong sản phẩm còn thấp, dẫn đến giá trị thu về không cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người nông dân đổ xô đi trồng các loại cây, nuôi các loại con không theo quy hoạch, dẫn đến việc tồn đọng sản phẩm, chất lượng nông sản, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm chưa thực sự được coi trọng. Dẫn đến hàng triệu nông dân là người bán hàng đã bị thương lái ép giá.
Thời gian qua nhiều người tiêu dùng quay lưng với nông sản trong nước không chỉ bởi một bộ phận nông dân sản xuất không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu tới cả nền nông nghiệp, mà một phần cũng do hạn chế trong quản lý đầu vào, nông dân chưa nắm được thông tin về xu hướng tiêu dùng mới.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, GS. Trần Đức Viên, nguyên Hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, những tồn tại cố hữu đang cản trở ngành nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết, như: sản xuất manh mún, vòng xoáy “trồng - chặt” xuất hiện thường xuyên ở nhiều loại cây trồng, giá nông sản xuất khẩu thấp do chất lượng không cao.
“Nông nghiệp đang thừa đầu vào nhưng thiếu đầu ra bởi mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hết sức lỏng lẻo. Đặc biệt ở nhiều nơi còn chưa biết tới liên kết này hoặc có cũng rất mờ nhạt", ông Viên dẫn chứng.
Làm gì để tạo đà cho thị trường nông sản Việt "cất cánh"?
Trước những tồn tại của nền sản xuất, để nông sản Việt Nam phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng xuất khẩu, đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản như các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan.
Về mặt thương mại, Thứ trưởng cho rằng, vấn đề mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nước ta hiện nay đang có nhiều thay đổi và tác động từ các chính sách bên ngoài như việc ký kết hàng loạt các hiệp định tự do thương mại FTA. Thực tế đó, đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách phù hợp, từ khâu sản xuất, kinh doanh, phân phối đến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
"Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu; triển khai các giải pháp khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản gắn với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế...", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, cùng với đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, truy xuất nguồn gốc cũng như hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nhằm tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, tháo gỡ các rào cản thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện các hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới, tạo đà cho thị trường nông sản "cất cánh".