Doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay chuyển đổi số
(DNTO) - "Thiếu nguồn lực về ngân sách, thiếu nhân lực có chất lượng, hạn chế về năng lực quản trị và đặc biệt là quản lý tài chính – kế toán là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (SME) là phân khúc gặp nhiều khó khăn nhất khi tiếp cận chuyển đổi số", ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA chia sẻ.
Nền tảng số Make in Vietnam "bệ phóng" giúp SME quản lý tài chính
Ngày 9/4, tại Hà Nội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phối hợp Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chuyển đổi số trong quản lý tài chính kế toán thông qua nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP”.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sự tất yếu, cách thức để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số thành công trong quản trị tài chính - kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Từ đó, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trong một thị trường đầy biến động.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS, TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA cho biết, SME chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế, nhưng lại là phân khúc gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận chuyển đổi số. Các doanh nghiệp này không chỉ thiếu nguồn lực về ngân sách mà còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, hạn chế về năng lực quản trị và đặc biệt là quản lý tài chính – kế toán.
"Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang thiếu một bộ máy kế toán hoàn chỉnh, cần thuê dịch vụ kế toán/thuế. Do đó, các doanh nghiệp này cần đến sự hỗ trợ từ rất nhiều phía như cơ quan có chuyên môn, thẩm quyền, các đơn vị dịch vụ kế toán và các doanh nghiệp cung cấp công cụ, nền tảng xử lý nghiệp vụ, dữ liệu kế toán của họ", ông Thanh nhận định.
Cũng theo ông Thanh, cuộc CMCN 4.0 đã khiến cho công tác kế toán, kiểm toán có sự thay đổi cả về quy trình, phương thức xử lý, cách thức cung cấp thông tin cũng như phân tích sử dụng dữ liệu thông tin. Các công nghệ mới như IoT, Big Data, Cloud… là cơ hội cho phép kiểm toán sớm đổi mới và đi vào công nghệ số.
"Các nền tảng số trong lĩnh vực quản lý tài chính sẽ góp phần hạn chế nhiều nhất rủi ro có thể xảy ra. Quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp quản trị dữ liệu tốt hơn, minh bạch hơn.Trước hết chúng ta có thể chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Xa hơn nữa là hình thành kế toán số, kiểm toán số trong nền kinh tế", ông Thanh nói.
Trong khuôn khổ sự kiện, Công ty Cổ phần Misa thực hiện ký kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán đã đăng ký tham gia Nền tảng Misa ASP. Đây là một trong những nền tảng số Make in Vietnam đã được Bộ TT&TT lựa chọn tham gia Chương trình SMEdx. Nền tảng này kết nối những doanh nghiệp có nhu cầu thuê dịch vụ kế toán/thuế với các tổ chức cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp có thể tìm đúng kế toán có năng lực ở bất kỳ đâu và đáp ứng mọi mảng nghiệp vụ mà mình cần.
Bên cạnh đó, khi tham gia vào nền tảng, các đơn vị kế toán dịch vụ sẽ trao đổi và gửi nhận toàn bộ dữ liệu khách hàng trên MISA ASP. Điều này giúp việc quản lý dữ liệu được tập trung và nhanh chóng truy cập, tìm kiếm dữ liệu từng khách hàng chỉ bằng 1 tài khoản duy nhất.
"Các doanh nghiệp có thể dễ dàng giao tiếp, trao đổi thông tin với kế toán dịch vụ trực tiếp trên nền tảng. Dữ liệu được lưu trữ an toàn, tập trung trên Cloud nên khi tra cứu lại khá đơn giản. Nhờ nền tảng, doanh nghiệp có được những báo cáo tài chính liền mạch, minh bạch, đáp ứng đầy đủ quy định hiện hành, là cơ sở để chúng tôi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và tổ chức tín dụng. Từ đó, tiến hành chuyển đổi số chính mảng tài chính - kế toán của doanh nghiệp...", đại diện Misa cho hay.
Cần "khai sáng" để SME chuyển đổi số
Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyển đổi số với doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp SME nói riêng, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, chuyển đổi số mang lại lợi ích lớn, giúp giảm 70% chi phí và tăng gần 50% hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp, người dùng vẫn khá mơ hồ về khái niệm và chưa muốn chuyển đổi số. Do vậy, chuyển đổi số với SME đang ở giai đoạn ban đầu do đó, nhận thức về vấn đề này vẫn còn rất mới.
"Trở ngại lớn nhất vẫn là nhận thức. Bên cạnh đó là giới hạn của SME về nguồn lực tài chính. Ngoài ra, còn thiếu những mô hình, giải pháp thành công cụ thể để nhiều SME nhìn thấy một cách rõ ràng để từ đó có quyết tâm hơn về chuyển đổi số. Có quá nhiều nhà cung cấp mà chưa có tiêu chuẩn đánh giá khiến các SME đang "tự bơi" giữa mênh mông các luồng thông tin.
Do vậy, ông Nguyễn Trọng Đường khẳng định, đây là lý do tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông phải định hướng và đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn ra các nền tảng số hiệu quả để hỗ trợ truyền thông, giới thiệu, triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số.
"Dịch Covid-19 đã tạo ra điểm bùng phát cho chuyển đổi số, 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát coi chuyển đổi số là cấp thiết và sẵn sàng chuyển mình. Họ tuy hạn chế về nguồn lực nhưng lại có khả năng thay đổi và thích ứng nhanh hơn để chuyển đổi số.Do vậy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ được Bộ TT&TT đặt lên hàng đầu và nhanh chóng thực hiện", ông Đường cho hay.
Tại chương trình này, Bộ TT&TT đã đánh giá kỹ lưỡng và lựa chọn ra nhiều nền tảng số hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp để hỗ trợ truyền thông, giới thiệu và hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. MISA ASP là một trong những nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý tài chính.
Lãnh đạo cục tin học hoá cũng nhấn mạnh, các nền tảng được lựa chọn phải đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn dựa vào nền tảng số.
"Với cách làm như vậy, chúng tôi đang hỗ trợ các nền tảng số tổ chức sự kiện để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó, giúp họ hiểu rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số để "sống còn" vượt qua đại dịch, khôi phục tăng trưởng”, ông Đường nêu rõ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Tin học hóa, đơn vị này sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương trong thời gian tới. Cùng với đó là xây hệ thống các chuyên gia, các tổ chức tư vấn quy trình giúp SME thực hiện chuyển đổi số tốt nhất. Trong đó có tư vấn thực hiện các bộ hồ sơ tài chính tiếp cận vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Bộ cũng có nguồn quỹ giúp các SME thực hiện CĐS một cách hiệu quả trong thời gian tới.