Cần một thương hiệu nông sản để khẳng định giá trị Việt
(DNTO) - Hơn 90% ngành nông sản ở Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và vi mô (MSME). Tuy đóng vai trò quan trọng, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp này đang bị hạn chế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực cần thiết để tiếp cận thị trường nước ngoài.
Tiềm năng và cơ hội của nông sản Việt
Trong năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng đạt 2,68%, cao hơn 2,01% so với năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,36 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 28,9%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 26 triệu USD, tăng 3%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%. Riêng mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2019...
Hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số dự án FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 2,9% tổng dự án và 1% vốn. Điều đó thể hiện quy mô đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành.
Phát biểu tại hội thảo “An toàn thực phẩm để tiếp cận thị trường: nâng cao nhu cầu của nước ngoài đối với nông sản Việt Nam”, do Viện Mekong tổ chức ngày 25/3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEPC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI-HCMC), cho biết: Hiện cả nước có hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), và 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, quá thấp so với tiềm năng. Để phát triển nông nghiệp CNC đòi hỏi các bên liên quan phải nghiên cứu và triển khai sát hợp với thức tế địa phương và yêu cầu công nghệ tương thích với các mô hình sản xuất mới…
Bên cạnh đó, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và uy tín trên thị trường quốc tế là thúc đẩy an toàn thực phẩm về mặt nhận thức và kỹ năng, tập trung và tăng cường xuất khẩu, tiếp cận thị trường nước ngoài, hiểu rõ chiến lược phát triển nông nghiệp công-tư, tuân thủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hiểu các chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ.
Theo bà Ratna Devi Nadarajan, chuyên gia chương trình Ban ADC, Viện Mekong (Mekong Institute): Nông sản là rất quan trọng, nhu cầu thực phẩm tăng, làm sao có thể cung cấp đủ thức ăn cho 9 tỷ người trên thế giới? Đây là cơ hội để Việt Nam và các nước thuộc Tiểu vùng Mekong gia nhập thị trường nông sản quốc tế.
Lĩnh vực thương mại nông sản giúp xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đây là yếu tố thúc đẩy phát triển cho Việt Nam. Cơ hội gia nhập thị trường đã có các hiệp định thương mại hàng hóa. Thực phẩm chất lượng là làm sao kiểm soát được an toàn.
Nông sản Việt cần xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm để tăng cơ hội cạnh tranh
Đưa ra giải pháp để giúp nông sản Việt mở rộng cơ hội gia nhập thị trường mới, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp thực phẩm nông sản vừa và nhỏ Việt Nam cần phải xem xét lại chiến lược tìm nguồn cung ứng, hợp lý hóa phạm vi sản phẩm; đánh giá khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng như các kênh phân phối của mình để tiếp cận các thị trường hiện có và thị trường mới trong tương lai.
Theo TS. Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – Vùng 1, AgroTrade: “Để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, nông sản Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm; công nghệ bảo quản, chế biến sâu đảm bảo chất lượng sản phẩm khi vận chuyển đến thị trường tiêu thụ; các vấn đề về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; công tác thông tin, truyền thông; xúc tiến thương mại...'.
Về vấn đề xúc tiến thương mại cho nông sản, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (INTEC), Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VietTrade), cho biết Cục Xúc tiến thương mại đã xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tài chính, cải thiện chất lượng, mức độ an toàn và hỗ trợ tuân thủ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại liên kết với các sàn thương mại điện tử quốc tế Amzon, Alibaba và các sàn thương mại điện tử trong nước để đưa sản phẩm nông sản chất lượng lên sàn. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến và các hoạt động giao thương.
Bà Minh Thúy cho biết thêm: “Cục Xúc tiến thương mại sẵn các nguồn lực để hỗ trở doanh nghiệp. Để có thể tiếp cận được các dự án đầu tư, các doanh nghiệp cần phải có người giỏi tiếng Anh và kế toán”.
An toàn thực phẩm là vấn đề lớn và khá nan giải, tuy nhiên tính đến nay Việt Nam là một bài học thành công bên cạnh Thái Lan trong khu vực ASEAN. Điều đó nhờ vào những chính sách kịp thời từ chính phủ trong quản lý thực phẩm, tham gia các hiệp định thương mại thế giới, đồng thời thanh niên Việt Nam được cho là khá nhanh nhạy với công nghệ.
Để tiếp cận thị trường thế giới, bà Ratna Devi Nadarajan cho rằng Việt Nam cần cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực của nguồn nhân lực, nhân lực cần định hướng hợp lý, trang bị làm quen công nghệ cao, sản xuất thông minh (AI), phát triển đón đầu công nghệ kỹ thuật. Đặc biệt là cần vận dụng tốt hơn nữa những nguồn lực tự nhiên. Bên cạnh đó bà Ratna cũng nhắc đền vấn đề hạn chế rác thải nhựa trong nông nghiệp và rác thải đóng gói bao bì trong các giao dịch thương mại điện tử, để bảo vệ môi trường. “Việt Nam cần một thương hiệu nông sản Việt để vươn ra thị trường thế giới”, bà Ratna nhấn mạnh.