Cần chính sách hỗ trợ 'đặc trị' để vực doanh nghiệp
(DNTO) - Trước diễn biến dịch Covid-19 đang có nguy cơ lan rộng, các chính sách hỗ trợ nên “đúng, trúng, hiệu quả” và mang tính dài hơi hơn, để giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai, đây được xem là loại "vaccine" đặc biệt cho doanh nghiệp.
Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Đại dịch Covid-19 vẫn đang càn quét khốc liệt và "nhấn chìm" các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới ba năm; các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, tới vấn đề nhân công, người lao động. Chưa kể, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất, dẫn tới chậm trả hàng cho đối tác, giảm đơn hàng, sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Theo đó, điểm qua về tình hình "sức khoẻ" của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, 7 tháng đầu năm 2021, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: Gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%.
Ðiều này cho thấy, 2021 là một năm đầy khó khăn, u ám với doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng trong lúc này có ý nghĩa rất đặc biệt. Theo đó, trong khoảng một năm qua, nhiều chính sách "trợ lực" cho các doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đó chưa phải là bức tranh tổng thể, chưa thể thấy rõ sự thẩm thấu và hiệu quả chính sách được phát huy trong đời sống thực tiễn của doanh nghiệp, khi vẫn còn nhiều chính sách chưa thực sự "đủ liều" hoặc chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện, do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện đáp ứng quá chặt chẽ.
Cụ thể, có đến khoảng 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghệ (VCCI) phản ánh đã không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần thứ nhất của Chính phủ.
Ông Tô Trung Thành, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc do ảnh hưởng của đại dịch cũng chưa phát huy hết hiệu quả khi chỉ mới hỗ trợ được khoảng 16 triệu người, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 19%.
Đặc biệt, những người được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Hay như đối với gói hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng cũng cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: Lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ. Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm cần hỗ trợ nhất nhưng cũng là nhóm khó tiếp cận chính sách…
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng phối hợp với một số tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động và hiệu quả của chính sách và khả năng hấp thụ nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, chính sách liên quan đến việc gia hạn nộp thuế như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ cao nhất, tiếp đến là gia hạn tiền thuê đất và chính sách không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước, xăng.
Ngược lại, một số chính sách như đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn không có doanh nghiệp nào được hỗ trợ... Lý do bởi 54,6% ý kiến cho rằng khó tiếp cận hỗ trợ vì họ không đủ năng lực đáp ứng các điều kiện để nhận được hỗ trợ; gần 26% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ và gần 15% doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên không "mặn mà" tiếp cận các gói hỗ trợ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể.
"Nếu chính sách được xây dựng mà khó thực hiện thì không có tác động tốt đến doanh nghiệp. Ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn, khiến doanh nghiệp chờ mòn mỏi và suy yếu đến mức không cần nhận hỗ trợ để làm gì nữa vì quá muộn" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Cần chính sách hỗ trợ "đúng, trúng, đủ'
Có thể thấy, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm ra tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Từ đó, giúp cải thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn.
Nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Trần Hoàng Ngân - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, cần chia nhóm doanh nghiệp ra để cứu.
Cụ thể, cần chia làm ba nhóm để có các giải pháp phù hợp. Thứ nhất là những doanh nghiệp nào đã đóng cửa. Thứ hai là doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động và thứ ba là những doanh nghiệp đang hoạt động.
"Với mỗi nhóm khác nhau, phải có giải pháp khác nhau. Với các doanh nghiệp đang hoạt động thì mục tiêu là phải cứu đến cùng. Bởi các doanh nghiệp này đang chấp nhận hoạt động trong điều kiện chịu lỗ, chấp nhận hy sinh để duy trì hoạt động thì phải có gói giải pháp riêng" - ông Ngân nhận định.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Chính phủ cần rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12/2021, lộ trình đến hết tháng 3/2022, kể cả phí BHXH, công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất…
"Các doanh nghiệp rất cần Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết quý I/2022 để giảm áp lực trả nợ. Tuy nhiên, cần cơ cấu nợ sao cho không làm ảnh hưởng xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp. Cùng với đó là cho phép doanh nghiệp tiếp cận vốn từ Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới" - ông Dũng cho hay.
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần nghiên cứu thêm gói hỗ trợ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số lĩnh vực chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và có tiềm năng hồi phục tích cực sau dịch.
Ông Lực cho rằng, bên cạnh các giải pháp hiện có, cần nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3 - 4%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương... chứ không đại trà.
Lý giải tại sao lại dành cho DNNVV, ông Lực cho rằng, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19, nhưng là nhóm doanh nghiệp năng động và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Còn các doanh nghiệp lớn trong những lĩnh vực đặc thù chịu tác động mạnh của dịch bệnh như hàng không, giao thông đã và đang được nghiên cứu chính sách cứu trợ. Tuy nhiên, trong số DNNVV cũng cần chia nhóm theo lĩnh vực/khu vực chịu tác động để có thể hỗ trợ tốt nhất.
"Cũng cần tính dự phòng khả năng dịch bệnh còn phức tạp, có thể tăng quy mô gói tín dụng lên 100 nghìn tỷ đồng hoặc hơn, kéo dài hơn 1 năm. Việc này cần được tính toán theo hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và nguồn lực ngân sách. Quan trọng nhất là đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ" - ông Lực nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, các gói hỗ trợ trước đó chưa tính tới đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nên chưa đủ liều. Vì vậy, Chính phủ cần có thêm những giải pháp mạnh hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
"Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Điều đáng mừng, sau gói 62.000 tỷ đồng và gói 16.000 tỷ đồng thời gian qua thì gói 26.000 tỷ đồng đang được triển khai có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn" - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành, cần có giải pháp mang tính dài hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, quan tâm hơn đến phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sự kết nối với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng nội địa, để tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” trong tương lai.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ tiêm vaccine
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mở cửa được thị trường, duy trì các hoạt động kinh tế. Do đó, việc tiêm vaccnie phòng Covid-19 cho toàn dân là vô cùng quan trọng.
Cần mở rộng mạng lưới tiêm dịch vụ, vẫn là nguồn vaccine của Nhà nước nhưng hệ thống tiêm mở rộng ra các bệnh viện tư nhân, ví dụ các trung tâm như VNVC tiêm dịch vụ cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tự trả tiền. Còn với hệ thống cơ sở y tế phường, xã thì tiêm cho người cao tuổi, tiêm cho người có bệnh nền. Việc phân tuyến tiêm vaccine như vậy để lực lượng còn lại tập thung vào công tác điều trị.
Có "hộ chiếu vaccine" cực kỳ quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp, để mọi người dân có thể hoạt động trở lại bình thường trong bối cảnh vẫn còn dịch Covid-19. Khi đã có "hộ chiếu vaccine", người lao động có thể đi tới nhà máy, xí nghiệp, công trường...; các dịch vụ kinh doanh có thể mở cửa trở lại. Đây chính là gói hỗ trợ lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp.