Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đẩy nhanh thời gian
(DNTO) - Theo các chuyên gia kinh tế, với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, cần phải rút kinh nghiệm đẩy nhanh thời gian từ chính sách đi vào thực tiễn, nhất là các gói hỗ trợ...
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2020, 65% doanh nghiệp bị giảm doanh thu nhưng số doanh nghiệp được thành lập mơi đến tháng 4/2021 vẫn đạt mức kỷ lục so với năm 2020. Tuy nhiên trước đợt bùng phát Covid-19 mới, dự báo phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn.
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này, tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Sunhouse, Chính phủ cần có nhiều giải pháp hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp khác nhau, những doanh nghiệp nhỏ cần vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, còn những doanh nghiệp lớn cần được mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nguồn nhân sự chất lượng cao có thể làm việc lại bình thường.
Ông Phú nêu kinh nghiệm của tập đoàn trong những đợt dịch trước là nếu các khu vực bị phong tỏa từng phần, tập đoàn sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang kinh doanh nhiều lĩnh vực khác để đảm bảo thu nhập cho người lao động. Vấn đề của doanh nghiệp lớn hiện nay là cần chia ra nhiều hướng để đa dạng thị trường, kênh phân phối, bình ổn doanh thu.
"Chúng ta nên chia nhóm doanh nghiệp để có các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp lớn không cần hỗ trợ như các doanh nghiệp nhỏ khác, các doanh nghiệp lớn chiếm đến 80% đóng góp ngân sách thì lại cần chuyên gia vào, mở rộng sản xuất, từ đó tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp vệ tinh", ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ.
Còn theo đánh giá của ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ còn khá xa với so với thực tế doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp giảm 30 - 50% nhân công mới được hỗ trợ thì doanh nghiệp đó đã có thể phá sản.
Với những doanh nghiệp có nhiều lao động như ngành dệt may thì rất quan tâm đến các chỉ thị về giãn cách xã hội khi có làn sóng dịch mới, điều này làm ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên ông Việt đề nghị các chỉ thị được phân rõ các khu vực tùy theo mức độ, cùng với đó là chính sách giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
"Mong muốn thứ nhất về chính sách lãi suất, hoãn giãn nợ được duy trì và kéo dài đến 2021 vì tính năm 2021vẫn là khó khăn. Thứ hai nữa là vẫn mong Chính phủ tiếp tục là chỉ đạo đảm bảo được dịch ở Việt Nam kiểm soát tốt thì doanh nghiệp mới yên tâm và người những khách hàng của may 10 toàn thế giới cũng sẽ yên tâm để đặt hàng. Nếu có bất thường như năm 2020 thì Chính phủ cũng có thể hỗ trợ là hỗ trợ như giãn hoãn nợ thuế, có thể có những gói hỗ trợ cho người lao động có việc làm chẳng hạn, chính sách để duy trì", ông Việt bày tỏ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, cần phải rút kinh nghiệm đẩy nhanh thời gian từ chính sách đi vào thực tiễn, nhất là các gói hỗ trợ, nếu chính sách không được thực hiện kịp thời thì chi phí doanh nghiệp sẽ bị đội lên rất nhiều từ các chi phí bỏ ra để phòng dịch Covid-19.
Các gói hỗ trợ thời gian qua vô tình bỏ qua đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, khi nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Do vậy, các đối tượng cần phải tính toán, cân nhắc kỹ hơn. Một điểm cần lưu ý là các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng, thiết thực hơn, đáng lẽ phải ghi nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì chúng ta lại chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh...
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Chúng ta không thể tách chống dịch và kinh doanh riêng được, kinh doanh cũng là hoạt động chống dịch. Các gói mới cần tính đến một cách bài bản hơn, chính phủ cần phải đi trước trong việc xây dựng các kịch bản, tiếp cận theo nhóm đối tượng nếu không các giải pháp thậm chí bị trục lợi. Doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi mới đang ưu tiên, để nguồn lực được ưu tiên".
Trong các giải pháp, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Các kiến nghị cho rằng ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho người lao động.
Với chi phí mua, vận chuyển, bảo quản... và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cả nước lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, việc thành lập quỹ vaccine phòng Covid-19 để kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp và người dân là cần thiết./