Doanh nghiệp trong khu vực giãn cách xã hội chịu nhiều thiệt hại
(DNTO) - Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thực hiện giãn cách xã hội nên cần những chính sách, hướng dẫn phù hợp, cụ thể.
Theo phản ánh của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, dịch Covid-19 đang bùng phát tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN) chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều DN phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt các đơn hàng xuất khẩu.
Nỗ lực thực hiệnphương án “3 tại chỗ”, Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã phải dừng hoạt động 2/5 nhà máy để lấy chỗ làm nơi ở cho hơn 400 công nhân. Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, hiện việc thu xếp thực hiện “3 tại chỗ” và thu xếp chi phí xét nghiệm thường xuyên cho hơn 1.700 công nhân là điều rất khó khăn. Công suất nhà máy hiện chỉ duy trì được khoảng hơn 10% và các đơn hàng xuất khẩu hiện đã phải dừng lại.
“Thời điểm này, các đối tác tạo điều kiện để giãn, hoãn đơn hàng nhưng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, hệ lụy sẽ rất lớn, có thể mất đơn hàng”, đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết.
Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong những quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu...càng gây thêm khó khăn cho DN trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.
Cùng với đó, các DN vận tải hiện đang rối như tơ vò vì có sự khác biệt giữa các địa phương trong áp dụng biện pháp phòng chống dịch và cách hiểu văn bản hướng dẫn. Theo ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thái Việt Trung, có tình trạng vênh nhau về cách hiểu quy định xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp nào, thời hạn ra sao, mỗi địa phương lại áp dụng cách thức khác nhau. Đó là chưa kể khi xuống tới các cơ sở nhà máy, mỗi nơi lại có thêm quy định khác.
Hay đối với giải pháp cấp thẻ “luồng xanh” của Hà Nội, dù đã được áp dụng song vẫn còn tình trạng ách tắc tại các điểm chốt dịch, các phương tiện có đủ điều kiện vẫn phải dừng lại đứng chờ cùng với các xe khác. “Các quy định này đều có hiệu lực nhanh, DN không sao xoay xở kịp gây thiệt hại cho cả đơn vị vận tải và chủ hàng là vô cùng lớn. DN mong muốn quy định của Chính phủ và Bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách làm từ trên xuống dưới”, ông Hào phản ánh.
Sức khỏe người lao động là nội lực của doanh nghiệp
Không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong bất cứ kịch bản dịch Covid-19 nào đang là một trong những mục tiêu lớn nhất của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN. Nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sản xuất đang được nỗ lực triển khai.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, từ cuối tháng 6/2021, khi dịch diễn biến phức tạp, công ty đã xây dựng kế hoạch dự phòng theo hướng “3 tại chỗ”, sắp xếp chỗ ăn ở cho hơn 100 công nhân. Theo đó, công ty xây dựng nhà máy thành 2 khu sản xuất riêng biệt. Bộ phận giao hàng được bố trí chỗ ăn, ở tách biệt với khu vực sản xuất và công nhân của công ty thường xuyên được thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên theo ông Thiện, để tránh tình trạng người lao động phải di chuyển nhiều lần đi xét nghiệm Covid-19, đồng thời góp phần giảm tải cho hệ thống y tế, đề nghị các địa phương giao quyền chủ động cho DN thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm ngay tại DN và chịu trách nhiệm về kết quả. “Các DN chắc chắn sẽ thực hiện nghiêm túc hoạt động này, bởi nó gắn liền với an toàn của DN”, ông Thiện đề xuất.
Đại diện Công ty CP Sài Gòn Food đề nghị, bên cạnh giải pháp “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trên cơ sở bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.
Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sản xuất, các hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị mong muốn được áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh; cho phép DN có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn bảo đảm không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu các DN phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng; đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vaccine nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, để tránh đứt gãy kinh tế.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị, chiến lược tiêm chủng vaccine cần đẩy nhanh hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trên cơ sở DN tự chịu chi phí nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để DN có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.