Khó đáp ứng '3 tại chỗ', 100/449 nhà máy chế biến thủy sản tạm dừng sản xuất
(DNTO) - Theo báo cáo nhanh của Tổ công tác phía Nam (Bộ NN&PTNT), tính đến hết ngày 23/7, tại 19 tỉnh, thành có 100/449 nhà máy chế biến thủy sản phải tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", ngoài ra, không đủ số lượng công nhân làm việc do phong tỏa cũng là rào cản lớn.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đều giảm, các mặt hàng thủy sản tươi sống đến kỳ thu hoạch có thể bị dư thừa hoặc khó vận chuyển đến nơi tiêu thụ vì bị thắt chặt ở một số địa phương.
Nhiều nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch rất nghiêm ngặt.
Theo báo cáo nhanh của Tổ công tác phía Nam (Bộ NN&PTNT), tính đến hết ngày 23/7, tại 19 tỉnh, thành có 100/449 nhà máy chế biến thủy sản đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ".
Phản ánh từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và một số địa phương: Chi phí sản xuất theo yêu cầu "3 tại chỗ" quá cao gồm: Chi phí xét nghiệm Covid 3 ngày 1 lần; mua mùng mền phục vụ ở tại chỗ; chi phí ăn ngày 3 - 4 bữa; trả thêm tiền cho công nhân để chấp nhận đi làm trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh; vận chuyển nguyên liệu ảnh hưởng do nhiều trạm kiểm dịch...
Hệ quả là công suất giảm, hàng giá trị gia tăng giảm mạnh do phải sử dụng nhiều công nhân kỹ thuật cao, doanh nghiệp chỉ tập trung đơn hàng cấp bách tránh bị phạt hợp đồng.
Ngoài ra, tổ công tác cho biết, khi giãn cách xã hội, việc thiếu lao động xảy ra, hiện các địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ nhưng một số nơi vẫn còn thiếu cục bộ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam (Đồng Tháp: 3 doanh nghiệp, Cần Thơ: 2 doanh nghiệp, TP.HCM: 4 doanh nghiệp, Long An: 2 doanh nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu: 2 doanh nghiệp) đã có công nhân dương tính với Covid-19, nên buộc phải tạm dừng sản xuất.
Cùng với đó, ở các tỉnh thuộc phạm vi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hiện có một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện (vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y...), do áp dụng Chỉ thị 16 nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn theo quy định.
Do đó, để "hà hơi, tiếp sức" cho các doanh nghiệp, Tổ công tác báo cáo Bộ NN&PTNT đề xuất Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm gia hạn các Giấy chứng nhận cho các cơ sở thêm 3 tháng để ổn định sản xuất kinh doanh; các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục thẩm định sớm nhất khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 ở địa phương.
Để việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, Tổ công tác của Bộ NN&PTNT đề nghị Sở NN& PTNT 19 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; phản ánh, giúp tỉnh gỡ khó trong lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua, thu hoạch nông sản, thủy sản…
Đối với chính quyền các địa phương, đề nghị quan tâm động viên và hỗ trợ các nhà máy chế biến, đóng gói, đang gặp khó khăn duy trì sản xuất; thường xuyên kiểm tra, rà soát các nguồn cung nông sản; ưu tiên tiêm vaccine và tổ chức test nhanh cho các cơ sở chế biến, giết mổ, đầu mối thu gom nông sản, thủy sản, doanh nghiệp, thương lái thu mua sản phẩm cho bà con và công nhân đi làm ở các nhà máy, cơ sở chế biến, giết mổ, sơ chế, đóng gói, bốc xếp, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.