Doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua cơn 'khát' container?
(DNTO) - Tình trạng "khát" container đang trở thành nỗi ám ảnh với doanh nghiệp, dù đơn hàng có sẵn nhưng đành lực bất tòng tâm vì bế tắc khâu vận chuyển.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải có container được trọng vọng như "vua", vì các doanh nghiệp xuất khẩu phải chầu chực các công ty vận tải để có được container đưa hàng đi xuất khẩu.
Cũng vì thiếu hụt container trầm trọng đã dẫn đến tình trạng “đội giá” vận chuyển và tăng phụ phí của các hãng tàu, khiến giá cước thuê container lại vô cùng "chát". Nhưng để được việc, các doanh nghiệp đành ngậm ngùi chấp nhận.
Trước thực trạng cấp bách này, các doanh nghiệp xuất khẩu đã "kêu cứu" cơ quan quản lý. Nhiều trăn trở được đưa ra, trong đó nhức nhối nhất là việc đề xuất xem xét xử lý, giải quyết hàng ngàn container phế liệu nằm đắp chiếu vô chủ, tồn đọng ở cảng để lấy nguồn container rỗng...
Tuy nhiên, về dài hạn, để giải cơn "khát' tàu hàng, việc tiến tới sản xuất vỏ container tại Việt Nam vẫn là giải pháp căn cơ nhất.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An kỳ vọng, việc có được các doanh nghiệp sản xuất container sẽ giúp tháo gỡ khó khăn đáng kể cho hoạt động xuất khẩu hiện nay.
"Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để sản xuất vỏ container, cũng có đủ sức để có được đội tàu biển vận tải hiện đại, đủ năng lực chở hàng xuất khẩu, nếu như có đủ các cơ chế tạo thuận lợi từ phía Nhà nước", ông Bình nêu ý kiến.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, chỉ rõ: "Hiện nay đã có những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề về sản xuất cũng như xuất khẩu container. Chúng ta không thể làm được trong ngày một ngày hai, nhưng dự kiến đến đầu quý 2 năm sau, những sản phẩm container rỗng đầu tiên của Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường để cung ứng cho hoạt động xuất khẩu".
Ông Hải cho rằng, đây là kỳ vọng cho một bước ngoặt mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này cũng cho thấy trong khó khăn do các yếu tố dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội để vượt qua, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để có thể tự chủ về container rỗng là câu chuyện trong dài hạn, dù đây là tín hiệu tích cực đánh dấu sự dấn thân của doanh nghiệp Việt vào "cuộc đua" này, nhưng trước mắt, trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" như hiện nay, để có thể cầm cự vượt qua khó khăn, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, các hãng tàu cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp chủ hàng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý để tập trung giải quyết những điểm nghẽn như thiếu vỏ, thiếu chỗ, giá cao vượt mức hợp lý… Qua đó, giúp điều phối hợp lý thiết bị, không chỉ giữa các cảng, depot trong nước, mà cũng cần có sự ưu tiên cho thị trường Việt Nam vì lợi ích lâu dài.
"Các doanh nghiệp là chủ hàng cũng cần thiết lập kế hoạch vận hành kinh doanh phù hợp để giải phóng hàng hoặc nhập hàng hoá nhanh hơn tạo nguồn container rỗng. Nên xem xét kết hợp nhiều phương thức vận chuyển hàng hoá đường sắt, đường hàng không... Đồng thời cũng cần chú ý tới đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường visibility trong chuỗi cung, qua đó có thể dự báo tốt hơn về nhu cầu, nguồn hàng cụ thể để không bị động, lúng túng", ông Khoa nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thiếu hụt container rỗng, ông Lê Văn Cường, Giám đốc Tân cảng Logistics-TCL, cho hay, các doanh nghiệp cần tăng cường cơ chế thúc đẩy giao nhận và cơ chế thưởng phạt trong việc sử dụng container.
Bên cạnh đó, để hạn chế ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể ký kết với các hợp đồng dài hạn theo các thỏa thuận đặt trước, để ổn định hơn nguồn container, đồng thời đảm bảo giá cước không trồi sụt cũng như chi phí logistics được xác định trước.
Ngoài ra, thông qua các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quản lý đứng đầu doanh nghiệp cần làm việc với hãng tàu về cơ chế tăng kho chứa hàng để chủ động trong sản xuất; chủ động kiểm tra thông tin tàu, tránh trường hợp hàng ra đến cảng không hạ container được do tàu bị chậm...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, các doanh nghiệp cần có thêm áp lực với các hãng tàu để luân chuyển container nhanh hơn, chịu chấp nhận hy sinh một phần chi phí vận chuyển nhưng cũng góp phần tạo nguồn container rỗng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu "dễ thở" hơn trong tình thế hiện nay.