Bộ NN&PTNT lập tổ công tác đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa
(DNTO) - Chiều 19/7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tại đầu cầu hai miền, nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh 5 việc cần bắt tay vào làm ngay của các tỉnh thành phía Nam. Thứ nhất, theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm.
Thứ hai, Các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu 1 cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên dính Covid-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng. Các tỉnh cần rà soát lại, đặc biệt là TP.HCM.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vậy các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất.
Bên cạnh đó, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản. Nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước.
Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và lưu thông đang thiếu hụt, cần phải tháo gỡ sớm.
Bộ NN&PTNT cho hay, nhìn chung hiện nay việc người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi khá bất cập. Bên cạnh đó, việc thu mua nông sản của các thương lái, hiện hoạt động chậm lại, thậm chí đóng cửa do dịch bệnh. Giá nhiều nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ.
Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về...
Do đó, để thực hiện công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cần điều chuyển hàng hóa bằng các kênh giao dịch phù hợp, để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn, Bộ NN&PTNT khuyến cáo cần chuyển dịch năng lực cung ứng.
Cụ thể, các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) cần giảm xuống 25%-30% thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác đảm bảo chiếm 20% - 30% thị phần. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa phải tăng 50%.
Ngoài ra, về các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. HCM, hiện có 2.833 tổng điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Trong số này: có 106 các siêu thị, 2.616 hệ thống cửa hàng tiện lợi, và 111 hệ thống các chợ truyền thống...
Theo đó, các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng chống dịch để có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa từ các kho hàng.
Đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo ATTP, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt...