Hai bộ 'bắt tay' giải quyết bài toán thị trường cho nông sản
(DNTO) - "Để sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, không bị vướng vào tình trạng “tới mùa rớt giá, khó tiêu thụ” thì quyết định hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã giúp mở ra bước ngoặt trong việc giải quyết bài toán thị trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng gặp nhiều rủi ro, khó khăn, dẫn đến chi phí tăng, thời gian kéo dài làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó là các tác động tiêu cực từ những bất ổn chính trị, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistic gia tăng...
Do đó, để nông sản không còn tình trạng tới mùa thu hoạch lại vướng vào "lời nguyền" như "được mùa mất giá", "giải cứu nông sản", ngày 13/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thống nhất với Bộ Công thương ký kết "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam, khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế".
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Công thương và Nông nghiệp là hai ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có mối quan hệ chặt chẽ và hữu cơ với nhau, có tính phụ thuộc vào nhau rất lớn.
“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập với thế giới từ những tiềm năng, lợi thế của đất nước; Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nên nông nghiệp sẽ đi trước, công thương sẽ tiếp bước đi cùng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác giữa hai bộ đã giúp tháo gỡ một “nút thắt” rất lớn trong chức năng, nhiệm vụ của bộ này.
“Bởi suy cho cùng, thị trường sẽ quyết định mọi thứ. Nông sản muốn đưa được đến tay người tiêu dùng ở trong và ngoài nước thì vẫn cần thị trường và chức năng thị trường nằm phần lớn ở Bộ Công thương. Do vậy, quyết định hợp tác giữa hai bộ đã giúp mở ra bước ngoặt trong việc giải quyết bài toán thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo đó, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác chuyên môn. Mục tiêu cụ thể sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp. Phát triển công nghiệp hướng tới phục vụ nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Công thương, góp phần cùng Bộ NN&PTNT xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và dần thay đổi nền nông nghiệp truyền thống.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp trong thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường nội địa, cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu.
Thứ ba, đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường. Hai bên cũng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo các vụ kiện ở nước ngoài đối với hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Thứ tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia để quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực.
Thứ năm, đẩy mạnh quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ sáu, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Hai bên sẽ nỗ lực phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và chương trình khuyến công, khuyến nông.
Thứ bảy, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Thứ tám, điện khí hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
Những nhiệm vụ đặt ra cho hai bên đều là các vấn đề cấp bách, tuy nhiên, để chương trình hợp tác đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả, hai bộ yêu cầu khẩn trương thể chế hóa những cam kết trong chương trình phối hợp bằng những kế hoạch, hành động cụ thể để tiến tới những kết quả rõ nét hơn.
Đồng thời, bộ trưởng cũng đề xuất hai bên cần thống nhất cử một cơ quan đại diện làm thường trực và mỗi bên cử một lãnh đạo cấp bộ để thường xuyên trao đổi thông tin, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình phối hợp sát sao, hiệu quả trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản.