Đẩy mạnh chuỗi liên kết 'kích hoạt' nông sản Việt thăng hạng
(DNTO) - Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, khi thế giới đang “bất định”, bất ổn và tự do hóa thương mại thúc đẩy các khu vực liên kết “mở”, có thể nói các chuỗi liên kết đang là câu trả lời hiệu quả cho bài toán thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trong tương lai.
Tháo gỡ "điểm nghẽn" cho bài toán nông sản
Hiện nay, xu hướng của thị trường thực phẩm trên thế giới xuất hiện những cách tiếp cận nông sản khác nhau. Có những chuỗi cung ứng nông sản sạch, tươi sống dành riêng cho việc phục vụ tiếp cận các thị trường lớn với những chuỗi cung ứng nông sản phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, sản phẩm bảo quản…
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã xây dựng những mô hình, chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo được các yêu cầu khắt khe trong khâu chế biến, bảo quản kho lạnh, vận tải, logistics và kết nối thị trường.
Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông sản với quy mô dân số lớn. Hiện ngành nông nghiệp Việt đã có chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường xuất khẩu nhưng chưa có chuỗi cung ứng dành riêng cho thị trường nội địa, hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vai trò của những chuỗi cung ứng nông sản Việt, ngoài phục vụ cho xuất khẩu còn là cầu nối giữa nông thôn và đô thị, qua đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa bằng sự kết nối vùng miền.
Từ những cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường nội địa, giúp nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản.
Từ đó có thể xây dựng những mô hình điển hình đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức sản xuất, về xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, logistics, kiểm soát chất lượng… và nhân rộng những mô hình ấy ra các vùng, các địa phương.
Điển hình như tại Đồng Nai đang hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết về sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Tỉnh cũng thí điểm phát triển 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản là Cụm Công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Cụm Công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán).
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp xuất khẩu, Đồng Nai cần chú trọng đầu tư thêm về logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics cho sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, sẽ làm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông sản địa phương, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Vũ Trường Sinh, giám đốc một công ty chuyên về các dịch vụ xuất nhập khẩu nông sản ở TP.HCM chia sẻ, công ty thường xuyên làm việc với các đối tác ở Đồng Nai về xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chuối. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc phát triển các dịch vụ logistics dành cho nông sản là rất quan trọng.
"Công ty mong muốn địa phương có thêm các cơ chế, chính sách phù hợp để mở rộng, phát triển thêm các kho bãi tập kết, lưu trữ, đông lạnh, đóng gói các sản phẩm chuối xuất khẩu nói riêng và các loại nông sản, trái cây khác nói chung, từ đó sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, dịch vụ liên quan và nâng cao giá trị nông sản của địa phương" - ông Sinh nhận định.
Việc nâng cao năng lực chế biến cần gắn liền với thế mạnh của các địa phương trong từng lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... song hành cùng vai trò kinh tế tập thể của các hợp tác xã nông nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp để tạo dựng thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Mục tiêu chính của chuỗi cung ứng nông sản là tháo gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn vẫn đang tồn tại trên thị trường nội địa hiện nay thông qua 2 điểm mấu chốt.
Mấu chốt thứ nhất liên quan đến hệ thống logistics, hệ thống kiểm soát, kiểm tra chất lượng nông sản của Việt Nam hiện nay. Mấu chốt thứ hai là áp dụng công nghệ vào việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh những hình thức phân phối sản phẩm nông nghiệp mới đang dần thay thế cho hệ thống phân phối hiện hành.
Mắt xích quan trọng nhất trong các chuỗi cung ứng là vấn đề xử lý thông tin trên cơ sở những hệ thống chuyển đổi số, công nghệ số, đảm bảo chuỗi được vận hành một cách hiệu quả, khoa học.
Đánh giá về chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường nội địa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, đồng thời gắn kết các vùng nguyên liệu với chuỗi cung ứng nông sản.
“Bên cạnh đó, chiến lược cũng cần sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ về công nghệ và chỉ dẫn địa lý trong khâu chế biến. Sản phẩm đầu ra sẽ được gắn với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại địa phương để triển khai tiêu thụ. Các ngân hàng chính sách sẽ hỗ trợ tín dụng ưu đãi” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Tạo "đà" cho OCOP đi vào chiều sâu
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện nhu cầu về sơ chế và chế biến nông sản rất lớn, đặc biệt là đối với những sản phẩm OCOP (One commune, one product - Mỗi xã, phường một sản phẩm).
“Việc phát triển những nhóm sản phẩm nông sản mới chắc chắn phải dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuỗi liên kết, nhất là vấn đề chế biến, phát triển ra những sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng -, ông Tiến nói.
Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP phấn đấu có ít nhất 10 nghìn sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay khâu bảo quản có rất nhiều công nghệ quy mô như cấp đông, đông lạnh, xử lý để giữ được chất lượng tốt cho nông sản. Đối với các sản phẩm trái cây, rau, củ, quả, việc sơ chế và chế biến trong 3 tiếng đầu tiên sau khi thu hoạch sẽ quyết định đảm bảo dinh dưỡng cũng như giá trị của sản phẩm.
Vấn đề được đặt ra là hàng ngày, các doanh nghiệp không thể điều những xe container lớn để vận chuyển nông sản nhỏ lẻ về trung tâm, từ đó, bắt buộc phải có những hệ thống sơ chế, chế biến hoặc hệ thống bảo quản đủ điều kiện đảm bảo chất lượng của nông sản sau thu hoạch.
"Việc phát triển chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong vấn đề sơ chế, chế biến sẽ là một trong những chìa khóa để giải quyết được nút thắt đó. Điển hình, đối với những sản phẩm chủ lực OCOP hay những sản phẩm quy mô nhỏ, không thể thu gom số lượng lớn về các trung tâm mà chủ yếu là phải xử lý sơ chế, chế biến tại chỗ" - ông Tiến phân tích.