'Đói hàng', doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh chuỗi liên kết
(DNTO) - Bên lề Hội thảo ngành dệt may – da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó TGĐ Công ty Cổ phần May Hồ Gươm đã chia sẻ về thực trạng của doanh nghiệp trước cơn “khát” đơn hàng và những thay đổi chiến lược cho ngành dệt may thời gian tới.
Thưa ông, với những khó khăn trong việc sụt giảm về đơn hàng và chậm thanh toán như hiện nay thì ông có dự báo gì về tình hình diễn tiến cho ngành dệt may trong thời gian tới?
- Dịch bệnh gây nên rất nhiều khó khăn cho chúng tôi, nhất là khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo như hiện nay.
Cá nhân tôi nhận định thì năm 2021 tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt các đơn hàng của quý I/2021 cũng sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp Dệt may trong đó có tập đoàn Hồ Gươm.
Tôi cũng hi vọng từ quý II thì các đơn hàng sẽ dần dần ổn định trở lại.
Trước khó khăn do đại dịch, công ty ông có chủ trương cắt giảm nguồn lao động không?
- Hiện tại thì chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm lao động. Hi vọng từ tháng 3 đến tháng 4 sang năm khi mà đơn hàng ổn định thì chúng tôi sẽ có lượng lao động ổn định để làm các đơn hàng.
Hiện nay, khách châu Âu chậm trả tiền 3 tháng, khách Hoa Kỳ thậm chí trả lời rằng khi nào có tiền sẽ trả. Mặc dù vậy, dệt may Hồ Gươm vẫn nhận hàng và nếu cần, công ty chúng tôi sẽ vay tiền ngân hàng để trả lương người lao động.
Ông có giải pháp cụ thể gì cho doanh nghiệp dệt may- da giày trong năm 2021?
Thực ra rất khó có giải pháp, vì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu, trong khi đó thị trường chính của chúng tôi vẫn là Mỹ và Châu Âu vốn đang ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Tôi cho rằng khi vacxin chưa được tiêm rộng rãi đến người dân thì các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể đưa được ra giải pháp cụ thể sẽ phải làm gì để chống chọi lại được khủng hoảng.
Hồ Gươm đã thay đổi quy trình sản xuất và phát triển như thế nào để phù hợp với những khó khăn do dịch bệnh gây ra?
Với tập đoàn dệt may Hồ Gươm thì cách đây vài năm chúng tôi đã có dự án chuyển giao các đơn hàng từ gia công (CMT) sang tự động hóa (OBM) đây cũng là cải tiến đột phá tạo bệ phóng cho ngành dệt may và da giày Việt Nam. 70% đơn hàng của chúng tôi đang được thực hiện tự động hóa.
Khoảng thời gian tháng 3/2020 khi dịch bùng phát chúng tôi cũng có đơn hàng ổn định chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu.
Quý 4, chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng giá rẻ, nhỏ lẻ để duy trì sản xuất giải quyết cơ bản việc làm cho người lao động.
Hệ lụy từ Covid-19 đã đặt ra vấn đề cần liên kết các doanh nghiệp lại với nhau để vượt qua khó khăn, ông đánh giá giải pháp này ra sao?
Covid là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta đối thoại giữa khách hàng với nhà cung ứng để chia sẻ tìm giải pháp tăng trưởng, định hướng lại tương lai.
Đồng thời đây cũng là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp trong ngành sản xuất nguyên vật liệu – sản phẩm, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ để đảm bảo vừa chủ động vừa tăng gia sản xuất. Đây là những điều kiện quan trọng để đảm bảo tất cả doanh nghiệp dệt may chúng ta có thể tồn tại vượt qua được khủng hoảng trong bối cảnh Covid-19.
Xin cảm ơn ông.