Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động phương án tiêu thụ nông sản
(DNTO) - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế, bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ các địa phương chủ động tiêu thụ, giải tỏa nông sản không để ùn ứ.
Cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các loại mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như rau, vải, nhãn… Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế, bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt là vải đang sắp vào vụ thu hoạch để tránh ùn tắc tại cửa khẩu.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả, thường xuyên cập nhật, báo cáo bộ.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý.
Cục bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu; tập trung cho việc chuẩn bị và hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid-19. Đồng thời làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan của các tỉnh có sản lượng quả vải lớn của khu vực phía Bắc như: Bắc Giang, Hải Dương về tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải của địa phương.
Bên cạnh đó sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường này; thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả để nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.Tại Hải Dương, Cục Bảo vệ thực vật vừa qua đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Do vậy, ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương. Đến nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ở các địa phương đều đã hoàn thiện để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải sang các thị trường.
Ngoài ra, để tiêu thụ hàng hóa, tránh tình trạng nông sản bị ùn ứ, thối hỏng phải đổ bỏ do đứt gãy cung - cầu, Bộ đã đề nghị các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân, tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid 19.
Thương mại điện tử "chìa khoá" giải quyết bài toán ùn ứ nông sản
Dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải giữ chữ tín để có thể tồn tại lâu dài chứ không phải là một phương án tạm thời trong mùa dịch.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sẽ là trung gian giao dịch giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với những thông tin minh bạch, giúp cho người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ vườn, trang trại đẩy mạnh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, bán hàng online, thanh toán mã QR code, áp dụng công nghệ Blockchain… là cách các sàn thương mại điện tử sử dụng để tiêu thụ nông sản Việt khi tình hình dịch Covid-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.… để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo nông sản, hàng hóa được tiêu thụ hiệu quả.
Trước mắt, mùa vải 2021 đã bắt đầu, từ ngày 10/5, vải chín sớm tại Hải Dương và Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch, ngành công thương địa phương đang phối hợp cùng với ngành nông nghiệp kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước và tạo điều kiện để xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của các địa phương ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời hướng dẫn thu mua sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.