Nhà thầu kêu trời vì giá vật liệu tăng phi mã
(DNTO) - Các công ty xây dựng cho biết khó đi đến thỏa thuận chung với chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng biến động phức tạp và khó đoán.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đang suy nghĩ và tìm kiếm giải pháp để ứng phó với tình trạng giá cả vật liệu xây dựng liên tục leo thang suốt thời gian qua.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá thép bán ra của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn. Ước tính, giá thép hiện nay tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm và gần gấp rưỡi so với quý III/2020. Cá biệt có đơn vị điều chỉnh tăng giá đến 6 lần trong vòng 10 ngày.
Trong khi đó, giá xi măng đang tăng từ 30.000-50.000 đồng/tấn, còn giá cát tăng gần gấp đôi.
Nhà thầu tự bù chênh lệch giá
Đại diện một công ty nằm trong top đầu nhà thầu xây dựng có trụ sở tại TP.HCM, cho biết hiện rất khó thương lượng với các chủ đầu tư theo hình thức trượt giá, đa số đều yêu cầu ký đơn giá cố định.
Trong khi đó, thị trường biến động phức tạp, liên tục nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quyết định mức giá cố định phù hợp để chào thầu tại thời điểm đang đàm phán. Chính vì vậy, quá trình đàm phán bị kéo dài, hai bên khó đi đến thỏa thuận chung.
Thậm chí, tình hình còn nặng nề hơn với các hợp đồng đã ký, bởi việc thương lượng điều chỉnh giá đã chốt theo mức giá tăng của thị trường càng khó khăn.
Nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC
"Nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) khẳng định trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây.
Ông nhấn mạnh các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Các nhà thầu phải tự giải quyết sự tham hụt này.
Trong khi đó, các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng, trong khi các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.
Một mặt bằng giá mới
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam thừa năng lực về nguồn cung thép. Tuy nhiên, vấn đề cung ứng thì khác, vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi những khó khăn trong khâu logistics lại gây gián đoạn nguồn nguyên liệu nên doanh nghiệp không thể tăng sản xuất.
"Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu", vị đại diện cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Viết Hải cho rằng chưa có cơ sở để xác định cụ thể mặt bằng giá mới của ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện một doanh nghiệp xây dựng nằm trong nhóm đầu, thị trường sẽ ổn định vào cuối năm nay và thiết lập mặt bằng giá mới giảm nhẹ so với mức giá kịch trần.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đều cố gắng theo dõi sát sao tin tức thị trường và dự đoán xu hướng để đưa ra những chiến lược phù hợp, cấp tốc.
Trước mắt, Công ty đặt cọc tiền cho các nhà máy, nhà cung cấp để trữ nguyên vật liệu, lưu trữ kho trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời tìm những nguồn cung mới, mở rộng ra thị trường nước ngoài với mức giá tốt và ổn định hơn. Đối với các hợp đồng đang đàm phán, doanh nghiệp cố gắng thương lượng với chủ đầu tư theo hình thức trượt giá để hạn chế rủi ro.
Trả lời tại cuộc họp cổ đông thường niên mới đây, ông Michael Trần, Phó tổng giám đốc Coteccons cũng cho biết đang hợp tác, liên kết với nhà thầu phụ và nhà cung cấp để đảm bảo luôn có giá vật liệu xây dựng tốt nhất ở từng thời điểm.
Trong khi đó, một doanh nghiệp xây dựng khác lại bàn giao khâu tìm kiếm nguyên vật liệu cho chủ đầu tư để giảm thiểu rủi ro khi giá tăng hay thiếu hụt nguồn cung.
"Chúng tôi đang chịu sức ép và phải tự bù khoản chênh lệch để đáp ứng tiến độ và chất lượng dự án, không để tình trạng tăng giá làm cản trở hoạt động, nhưng việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty", vị đại diện chia sẻ.
Chưa kể, tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng cũng là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tiến độ và mức giá các dự án. Chính các nhà cung cấp cũng không thể đưa ra mức giá tốt hay giữ giá cố định trong một khoảng thời gian cho doanh nghiệp.
Trong kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ, VACC đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, các sở xây dựng cần cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Về phía Bộ Công Thương, đại diện Cục Công nghiệp cũng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá, chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất, tiêu thụ thép hàng tháng và chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo, cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm nay để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép xây dựng. Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.