Để chuỗi cung ứng lạnh không 'cản chân' nông sản Việt
(DNTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xây dựng các kho bảo quản, tích trữ nông sản là vấn đề quan trọng trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi tiêu thụ, cung ứng hàng hóa.
Nông sản Việt "khốn đốn" vì thiếu kho lạnh trầm trọng
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêu thụ nhiều loại nông, thủy sản có thể bị chậm lại, gây tồn ứ. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng liên ngành, các địa phương trồng vải và các tỉnh biên giới cần xây dựng và thực hiện nhiều phương án tiêu thụ cho các tình huống để sẵn sàng ứng phó, trong đó việc thiếu kho lạnh cho bảo quản nông sản đang là vấn đề nghiêm trọng được đặt ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay: Cần chú trọng xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản, bởi sản phẩm rau quả mang nặng tính chất mùa vụ và tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lượng sản phẩm yêu cầu phải tiêu thụ rất lớn gây áp lực lên thị trường, điển hình là các sản phẩm vải, nhãn.
"Tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản và vốn ứ đọng hàng hóa" - ông Doanh chỉ rõ.
Cũng theo ông Doanh, hiện thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển, một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.
"Tại Việt Nam, thị trường kho lạnh còn khá phân mảnh. Xe tải đông lạnh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Các thiết bị vận tải trang bị cho kho lạnh so với các nước khác còn thiếu chuyên nghiệp, rất nhiều xe không có cách nhiệt tiêu chuẩn, thiếu mạng lưới thông tin logistics nội bộ và chuỗi cung ứng" - ông Doanh cho hay.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, nhu cầu kho lạnh của Việt Nam hiện nay rất lớn. Trong khi đó, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ chủ yếu là xuất khẩu.
Có thể thấy, số lượng và công suất hạn chế như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản, phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu bảo quản, tích trữ nông sản sau thu hoạch đang tăng lên rất lớn.
Để chuỗi cung ứng lạnh không "cản chân" nông sản Việt
Theo TS. Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Ở Việt Nam hiện nay, khâu bảo quản lạnh chỉ được chú trọng đối với mặt hàng thủy hải sản do chủ yếu được xuất khẩu, còn các mặt hàng nông sản khác thì mức độ áp dụng rất thấp. Trên thực tế, chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khiếm khuyết như cơ sở hạ tầng yếu kém, thị trường khá phân mảnh,… nên chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn bộ chuỗi thực phẩm.
"Đầu tư bảo quản lạnh là điều kiện bắt buộc trong quá trình hội nhập toàn cầu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon lâu hơn, giữ được giá trị. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần quy hoạch phân bố hậu cần kho lạnh nằm ở vùng nào cho phù hợp với từng sản phẩm ngành hàng" - ông Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Trong chuỗi giá trị nông sản, kho lạnh chính là “phụ gia” để liên kết từng “mắt xích”. “Phụ gia” này đảm nhiệm việc bảo quản nông sản từ ruộng của hộ nông dân đến kho hợp tác xã, từ kho hợp tác xã đến kho của doanh nghiệp và từ kho của doanh nghiệp ra “chợ” thế giới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lương Quang Thi - Giám đốc Công ty ABA Cooltrans (ABA), một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải lạnh nhìn nhận, tốc độ phát triển và đô thị hóa, cũng như các hệ thống phân phối hiện đại sẽ là tiền đề cho phát triển các chuỗi giá trị, trong đó có đầu tư cung ứng lạnh trong chuỗi giá trị.
"Để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cần có sự chung tay của cả chuỗi cung ứng lạnh, từ xử lý làm mát tạm thời sau thu hoạch, đến lưu trữ trong kho lạnh, rồi vận chuyển và trưng bày tại cửa hàng" - ông Thi cho hay.
Với nhu cầu ngày càng cao, thị trường cung ứng lạnh - mát sẽ là ngành phát triển mạnh, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cần chú ý cải thiện hệ thống dịch vụ; đầu tư hệ thống xe lạnh bài bản, trang bị đầy đủ công nghệ thông tin logistics để giúp các bên trong chuỗi có thể kiểm soát nhiệt độ và theo dõi tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển của xe lạnh, kịp thời xử lý mọi vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, cần các chuỗi cung ứng lạnh dành cho hàng nông sản được xây dựng ở những vị trí kết nối trực tiếp với nhà ga, cảng lớn có trung tâm kiểm nghiệm, để tiện việc đóng gói, sơ chế, xuất khẩu và giám định chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, sự liên kết hợp tác giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng lạnh, cùng sự đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả mà không khiến chi phí quá cao.
Bên cạnh đó, rất cần có sự chung tay của nhà sản xuất, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng lạnh toàn diện, lâu dài. Đồng thời, cần phải tăng cường quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm. Nhận thức đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng lạnh, không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất mà còn bảo vệ người tiêu dùng.