Chuỗi cung ứng tại nhiều tỉnh có thể bị đình trệ vì hàng hóa ách tắc tại Hải Dương
(DNTO) - Những quy định chưa hợp lý trong việc kiểm dịch cùng tâm lý e ngại của các địa phương lân cận khiến hàng hóa từ Hải Dương khó khăn khi lưu thông, trong khi nhiều sản phẩm tại đây là nguyên liệu đầu vào của các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.
Hải Dương hiện có 11 khu công nghiệp đang hoạt động tới diện tích hơn 1.732 ha (Thống kê từ Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương). Nhiều tuyến giao thông quan trọng quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 5, 10, 18, 37, 38; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường sắt Hà Nội - Hải Phòng...
Tuy nhiên, kể từ khi Hải Dương tiến hành giãn cách xã hội từ 0g ngày 16/2, nhiều hoạt động sản xuất, vận chuyển bị đình trệ. Cùng với những vướng mắc trong việc kiểm dịch, sản xuất kinh doanh Hải Dương hiện bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo ảnh hưởng đến các địa phương khác, do tỉnh này nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
“Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương”, Bộ Công thương cho biết.
Cụ thể, theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được.
Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm Covid-19 nhưng các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Trong khi đó, tại một số địa phương như Hải Phòng chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương nên những kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân đã không được công nhận.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện thời gian nhận kết quả PCR mất nhiều thời gian, khả năng xét nghiệm của CDC Hải Dương lại đang bị quá tải… nên nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng…, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, tại các địa phương, nhiều người dân lo ngại khi tiêu thị các nông sản từ vùng dịch; trong khi lại chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất từ chính quyền các tỉnh và cơ quan chuyên môn, dẫn đến tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng…
Vì vậy, để khơi thông dòng chảy cho hàng hóa, đặc biệt là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19, Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.
Đồng thời, các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh cần kết hợp tổ chức mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp và đẩy mạnh truyền thông về chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn do ngành nông nghiệp và y tế xác nhận (bao gồm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh) để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.