Doanh nghiệp livestream bán hàng: Đu ‘trend’ cũng phải biết cách
(DNTO) - Livestream không còn là địa bàn hoạt động của riêng các “hot girl kem trộn”. Trong dịch Covid-19, người tiêu dùng đổ xô mua sắm online, nhiều thương hiệu từ trung đến cao cấp cũng tận dụng tính năng này. Đây là kênh được các doanh nghiệp vừa và nhỏ ưu tiên bán hàng vì chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao.
Khi các CEO, brand lớn cũng phát trực tiếp
Dịch Covid-19 bùng phát thúc đẩy làn sóng mua hàng online gia tăng. Được đánh giá là thị trường giao dịch đầy tiềm năng, vì vậy, bán hàng qua mạng, đặc biệt là livestream đang được nhiều nhà bán hàng, thậm chí thương hiệu tầm trung đến cao cấp tận dụng để quảng bá sản phẩm.
Trung Quốc được xem là "thánh địa" bán hàng qua livestream trong thời điểm dịch Covid-19. Còn nhớ hồi tháng 8/2020, ông Lei Jun – CEO hãng điện tử Xiaomi đã thu về hơn 100 triệu Nhân dân tệ từ việc bán sản phẩm của hãng chỉ sau 2 tiếng livestream trên Douyin. Hay CEO Mingzhu Dong của Tập đoàn Gree Electric Appliances cũng thu về 310 triệu Nhân dân tệ (43,8 triệu USD) chỉ sau 3 giờ livestream.
Tại Việt Nam, hồi tháng 8/2020, CEO Thế giới Di động Đoàn Văn Hiểu Em nhận về hơn 17.000 lượt xem, 367 đơn đặt hàng với doanh số đạt 4,7 tỷ đồng sau khoảng 1 tiếng livestream trên fanpage của hãng.
Hay lần đầu tiên, CEO hãng thời trang YODY cùng vợ và 4 người con đã cùng nhau tham gia buổi livestream bán hàng "trợ giá mùa dịch". Buổi livestream tiếp cận tới 2 triệu người, thu về 1021 đơn hàng với doanh số trên 500 triệu đồng.
Có thể thấy, livetream không còn là sân chơi của những người bán hàng online, hay các “hot girl kem trộn”, mà đã trở thành mảnh đất màu mỡ được nhiều thương hiệu khai thác. Cùng với xu thế đó, nhiều sàn thương mại điện tử nhanh chóng ứng dụng tính năng này để giúp các nhãn hàng quảng bá sản phẩm.
Lazada hiện sở hữu một kênh livestream riêng được biết đến với tên gọi LazLive, với sự góp mặt của hơn 150 thương hiệu, trong đó có các hãng mỹ phẩm nổi tiếng toàn cầu như L’oreal, Vichy, Laneige… xuất hiện trên LazLive với tần suất đều đặn.
Tiki và Sendo tổ chức các gameshow livestream mời các streamer trong giới game đến góp vui, nhằm tăng tương tác cho sàn và các nhãn hàng. Shopee tổ chức những buổi livestream định kỳ cho người xem săn xu, săn sale vào các khung giờ cố định.
Lý giải việc livestream trở thành xu thế được ưa chuộng, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Hệ thống Học viện Kinh doanh số IMGroup cho hay, thông qua hình thức này, doanh nghiệp sẽ rút ngắn hành trình bán hàng. Quá trình từ biết thương hiệu đến đặt hàng nay chỉ còn 1 bước, giảm thiểu các bước trung gian.
Bởi khi thương hiệu tương tác trực tiếp với người xem sẽ dễ dàng trao đổi, phản hồi nhanh chóng các băn khoăn của khách hàng; tăng độ tin cậy và chân thật cho sản phẩm vì người xem có thể quan sát hình ảnh thực tế của sản phẩm, không qua hậu kỳ hay chỉnh sửa. Từ đó, giúp thương hiệu tăng tỷ lệ chốt đơn vì mỗi lần live có khả năng mang về hàng nghìn lượt tương tác cũng như tỷ lệ chốt đơn cao nếu tận dụng đúng cách.
“Xu hướng bán hàng trực tiếp từ nhãn hàng đến người tiêu dùng mặc dù bỏ bớt khâu trung gian nhưng mang đến lợi ích cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất trực tiếp. Có rất nhiều kênh marketing, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, khi túi tiền doanh nghiệp bị hạn chế, họ sẽ tập trung vào kênh nào có thể đo lường nhanh chóng hiệu quả, doanh thu để có thể tối ưu tăng trưởng sẽ được doanh nghiệp chú trọng trong hiện tại và nhiều năm tới”, ông Đức cho hay.
Không phải "đường sống" duy nhất
Theo ông Bùi Tú, Giám đốc Phát triển JobHopin (startup ứng dụng AI trong tìm việc), hiện tại hình thức livestream mang lại hiệu quả cho thương hiệu, nhưng cũng có rất nhiều nhà bán hàng thất bại.
Theo ông Tú, xu hướng là một chuyện nhưng không phải doanh nghiệp hay nhà bán hàng nào cũng có thể áp dụng. Bởi nó còn phụ thuộc vào kỹ năng, cái duyên, phụ thuộc vào con người. Ngay cả các thương hiệu lớn chưa chắc tìm được người phù hợp để làm chuyện đó.
Do vậy, trong tất cả các kênh truyền thông xã hội, các doanh nghiệp có thể tập trung phát triển một vài kênh tập trung nhóm khách hàng lõi mang lại hiệu quả cao, thay vì dàn trải ra tất cả các kênh.
“Nếu doanh nghiệp không có nhiều người, không thể vừa làm Facebook, YouTube hay Tiktok…, buộc phải cắt các kênh, thì hãy tập trung vào một kênh quan trọng nhất. Ví dụ như công việc của tôi, thấy không phù hợp để tiếp cận khách hàng trên Facebook, tôi quyết định bỏ luôn và tập trung vào Instagram và LinkedIn”, ông Tú cho hay.
Ông Tú cũng cho biết, trong trường hợp nếu doanh nghiệp hay nhà bán hàng không biết cách sử dụng truyền thông mạng xã hội để quảng bá sản phẩm thì hãy tập trung vào hoạt động cải thiện email marketing, những thứ nền tảng trước giờ chưa hiệu quả thì giờ làm cho tốt hơn.
“Chuyện đu theo trend, doanh nghiệp nên thử để xem có phù hợp với mình không. Tuy nhiên, luôn sẵn sàng trong tâm thế là trend đó có thể không dành cho mình. Lúc này phải quay trở lại với những thứ doanh nghiệp có thể làm tốt và tập trung lực lượng cho nó”, ông Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho hay, đối với các thương hiệu lớn, việc tận dụng hình thức livestream để quảng bá, bán sản phẩm cũng phải thật “khéo”, phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, công nghệ, nội dung… để tránh việc thương hiệu bị “phèn hóa” trong mắt người tiêu dùng.