GoStream và giấc mơ có tên trên bản đồ công nghệ thế giới
(DNTO) - Là ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam chuyên về livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, GoStream hiện đã có đối tác tại Thái Lan, Ả Rập và mục tiêu sẽ chinh phục thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Chọn cách "đứng trên vai người khổng lồ"
Anh Nghiêm Tiến Viễn, đồng sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream, cho biết ý tưởng tạo ra sản phẩm xuất phát từ những ngày anh còn là nhân viên trong lĩnh vực truyền thông. Để tổ chức sự kiện trên mạng hay làm các video rất cần công cụ livestream (phát trực tiếp), nhưng cách đây vài năm, những công cụ này còn rất thô sơ, khó sử dụng. Là kỹ sư công nghệ thông tin, anh Viễn cho rằng mình có thể điều chỉnh để các sản phẩm livestream tiện dụng hơn.
Nghĩ là làm, anh Viễn bắt tay vào cải tiến sản phẩm livestream, ban đầu để phục vụ nhu cầu công việc cá nhân, nhưng sau đó thấy rất nhiều người cần công cụ như vậy, anh nảy ra ý tưởng thương mại hóa sản phẩm.Do đã từng thất bại ở dự án streaming video (cách hoạt động như YouTube) bởi sự cạnh tranh từ nhiều dịch vụ tương tự, nên lần khởi nghiệp này, anh Viễn quyết định suy nghĩ khác, thay vì “gồng mình” cạnh tranh với những “ông lớn”, tốt nhất là tạo ra sản phẩm bổ trợ cho họ.
Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội cùng tính năng livestream nở rộ, cuối năm 2017, anh cùng hai người bạn của mình là Nguyễn Trọng Hoàn (phụ trách về công nghệ) và Phạm Ngọc Duy Liêm (phụ trách kinh doanh) mở công ty để ra mắt thị trường sản phẩm GoStream.
“Chúng tôi phải liên hệ với đội ngũ phát triển của Facebook, YouTube, Twitter… để kết hợp làm việc. Khi có thay đổi, họ sẽ thông tin trước để mình kịp điều chỉnh. Đây là việc đôi bên cùng có lợi bởi khi lượng người dùng phát livestream trên nền tảng của họ càng lớn, với những nội dung chất lượng, sẽ kéo theo nhiều người dùng khác”, anh Viễn chia sẻ.
Luôn trong tâm thế thích ứng với khó khăn
Cũng giống nhiều startup khác, thời điểm đầu, GoStream “đói” vốn. Ba người sáng lập quyết định không nhận lương trong 6 tháng để dành kinh phí trả lương cho nhân viên. Bản thân anh Viễn phải cắm ô tô, vay ngân hàng để duy trì hoạt động. Sản phẩm GoStream ban đầu rất nhiều lỗi, mỗi nền tảng mạng xã hội đều có yêu cầu kỹ thuật khác nhau với những thuật toán liên tục thay đổi, đòi hỏi đội ngũ cũng phải liên tục chạy theo
.Anh Viễn kể, thời điểm đầu, khi không hiểu thị trường, đôi lúc anh cũng cảm thấy mông lung. Tuy nhiên, sau 3 tháng nghiên cứu, GoStream bắt đầu bước ra thị trường và được đón nhận rất tích cực.
“Sản phẩm ban đầu còn sơ sài, nhiều lỗi nhưng chúng tôi may mắn được khách hàng ủng hộ, góp ý rất nhiều để đội ngũ chỉnh sửa. Lúc đó, gần như đội ngũ chăm sóc khách hàng của chúng tôi phải trực chiến 24/24 để xử lý mọi sự cố”, anh Viễn chia sẻ.
Để mở rộng khách hàng, GoStream chọn cách tiếp cận các lớp dạy marketing. Tại đây, các học viên được sử dụng GoStream như một công cụ để quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội. Từ đó, GoStream được cộng đồng marketing truyền bá, chia sẻ lẫn nhau, lượng người dùng từ đó tăng mạnh.
“Các phần mềm hiện nay thường rất phức tạp và đòi hỏi hiểu biết về kỹ thuật mới làm được. GoStream hướng tới sự đơn giản hóa nhưng vẫn chuyên nghiệp để những người dùng phổ thông cũng có thể sử dụng”, anh Viễn cho hay.
Là “tay ngang” bước vào kinh doanh, quản trị doanh nghiệp luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Hiểu rằng doanh nghiệp lớn lên thì bản thân người điều hành phải lớn, anh Viễn đầu tư cho các lãnh đạo công ty đi học các lớp về quản trị doanh nghiệp.
Anh cho rằng, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những khó khăn, vì thế, người lãnh đạo cũng phải luôn trong tâm thế thích ứng với những điều đó. So với các startup khác, hành trình của GoStream khá thuận lợi khi có những người đồng hành “tâm đầu ý hợp”, sản phẩm tung ra thị trường đúng xu thế, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Tận dụng Covid- 19 để bứt phá
Hiện GoStream có 600.000 người đăng ký và khoảng 10.000 khách hàng hoạt động hằng ngày. Đã có những đối tác tại Thái Lan, Ả Rập trong ngành marketing và quảng cáo mong muốn trở thành đại lý độc quyền của GoStream. Dù vẫn giữ vị trí tiên phong và số 1 tại thị trường Việt Nam nhưng GoStream cũng đang đối mặt với các đối thủ đến từ Âu Mỹ.
Tính đến nay, GoStream đã trải qua 2 vòng gọi vốn. Vòng đầu tiên kêu gọi Zone Startup với 200.000 USD. Vòng thứ 2, GoStream đang đàm phán kêu gọi 1 triệu USD để tuyển thêm nhân sự về công nghệ, marketing, mở rộng thị trường.
Anh Viễn cho biết, tận dụng thời điểm vàng trong dịch Covid-19, khi thị trường số có nhiều cơ hội bứt phá, trong năm 2021, GoStream cố gắng tập trung phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh phát triển ra thế giới, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ.
“Thị trường luôn có nhiều đối thủ cạnh tranh. GoStream chúng tôi phải tận dụng lợi thế của người đi trước để làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể chiếm được nhiều thị phần nhất trong nước. Với nước ngoài, họ không bán hàng online mà tập trung vào hội nghị trực tuyến, đào tạo online hoặc những chương trình truyền hình chuyển sang online, vì vậy GoStream phải đổi mới sản phẩm để phù hợp với nhu cầu mới. Ngoài ra phải nghiên cứu những công nghệ mới, tối ưu công nghệ lõi”, anh Viễn chia sẻ.
GoStream vừa giành ngôi quán quân của Giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 (Techfest 2020) và sẽ đại điện Việt Nam tham dự cuộc thi Startup World Cup 2021. Đại diện của GoStream cho biết doanh nghiệp rất mong muốn tiếp cận được với những nhà đầu tư, đối tác quốc tế bởi họ am hiểu thị trường, có nguồn lực mạnh, có thể giúp GoStream mở rộng thị trường, đưa sản phẩm công nghệ Việt lên bản đồ công nghệ thế giới.
GoStream là nền tảng livestream trên các mạng xã hội, gồm 2 sản phẩm: livestream thực và chuyển những video quay sẵn thành các dạng livestream trên mạng xã hội.
GoStream có thể tổng hợp hình ảnh từ hai thiết bị di động; dễ dàng chèn hình ảnh, video, chữ, khung vào trong livestream và có thể mời nhiều người khác vào livestream để cùng nói chuyện. Điểm đặc biệt của GoStream là tính năng tương tác với người xem thông qua tích hợp các phần mềm trò chơi, biểu đồ phục vụ cho các sự kiện, hội nghị.