Livestream bán bất động sản mùa dịch
(DNTO) - Huyền, một môi giới vốn "nghiện" xem livestream bán quần áo, không ngờ có ngày cũng thành đạo diễn kiêm diễn viên cho buổi chào bán căn hộ online.
Sau khi điều chỉnh ngay ngắn smartphone, Huyền nhìn thẳng vào điện thoại và bắt đầu nói liên tục. Cô có hẹn đưa một nhóm khách đi xem vài lô đất ở ngoại ô. Khi chồng dừng ôtô ở vị trí mà cô định giới thiệu, Huyền đã chỉ cho khách xem và giải thích xong cơ bản hạ tầng, đường sá xung quanh, trước khi đi vào chi tiết lô đất.
"Vài năm trước, tôi không hình dung công việc mình sẽ như thế này", Huyền vừa vặn chai nước, vừa nói. Thay vì nói chuyện, tương tác trực tiếp với khách, Huyền phải tỏ ra thú vị, duyên dáng trước một cái điện thoại. "Tôi vẫn đang học cách làm", cô nói.
Môi giới nói chuyện với một nhóm khách hàng qua livestream đã trở thành xu hướng tại nhiều nước, bao gồm Việt Nam, khi các công ty, cá nhân trong ngành này tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh. Covid-19 khiến những người bán nhà trở nên dè dặt hơn khi phải cho hết lượt người này đến người khác bước vào nhà mà chưa biết bao giờ hợp đồng sẽ được chốt. Người mua, dù có nhu cầu đầu tư, cũng có tâm lý ngại đi xem dự án theo đoàn.
Hướng xoay xở này cũng phần nào giúp Rever, Công ty công nghệ về môi giới bất động sản một năm trở lại đây bận bịu hơn khi tham gia tổ chức sản xuất các nội dung bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Bà Hạ Liên, Trưởng phòng truyền thông thương hiệu Rever chia sẻ, từ năm ngoái, Rever đã tổ chức sản xuất những chương trình chia sẻ, kết nối trực tuyến giữa đội ngũ bán hàng với khách. Mỗi tuần, doanh nghiệp này sẽ cho ra mắt một số chủ đề vào khung giờ cố định.
"Chúng tôi xem nó như một công cụ bổ sung, cung cấp thông tin cho khách hàng về thị trường, sản phẩm", bà Liên nói.
"Ngành bất động sản cần thay đổi để tồn tại, trong đó có việc giới thiệu, bán bất động sản qua hình thức livestream. Dịch dã triền miên 2 năm nay rồi", anh Trần Minh, một người tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản cá nhân nói.
Để tạo sức hút cho các chương trình trực tuyến này, họ đã ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo. Họ có một đội ngũ chuyên đi chụp hình và dựng 3D cho khách hàng xem với những căn hộ chuyển nhượng. Còn với các dự án thì có mô hình 3D được chủ đầu tư gửi sang.
Với những người livestream cá nhân, anh Minh cho biết, cách làm có phần linh hoạt, đơn giản hơn nhưng độ thành công sẽ dựa vào sức hút, khả năng của từng người môi giới.
Khác với việc gặp gỡ, tư vấn 1-1 trong không gian yên tĩnh, dễ dàng quan sát nét mặt, nắm bắt tâm lý khách hàng trước đây, người môi giới sẽ phải nói cho hàng trăm, thậm chí lên đến cả ngàn người nghe khi livestream. Điều này khiến cho việc tư vấn, giải thích, phân tích tâm lý khách hàng vô cùng khó, ngay cả khi có đội hỗ trợ trực tuyến.
"Để livestream hiệu quả, quan trọng nhất là xây dựng kịch bản và môi giới giờ đây vừa là diễn viên, vừa là biên kịch, kiêm luôn đạo diễn cho buổi giới thiệu bán hàng", anh Minh nói. Bên cạnh đó, anh cho rằng để tạo tương tác với người xem, không thể thiếu các quà tặng, chương trình hay chính sách đặc biệt chỉ có trong buổi xem. Điều này cần có thêm sự hợp tác từ phía chủ đầu tư.
Nhưng bất động sản là sản phẩm có giá trị lớn, do vậy, rào cản lớn nhất của việc chào bán qua livestream là sự tin tưởng của khách hàng.
Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đều hiểu, để khách chốt một hợp đồng hoàn toàn dựa vào thông tin trên nền tảng online thì rất khó. Khách hàng vẫn luôn có thói quen phải đến tận nơi, thậm chí là nhiều lần đến, để quan sát, cảm nhận về sản phẩm. Vẫn có nhiều người bán được nhà, đất nhờ livestream, nhưng bà Liên cho rằng cách này chỉ đúng với một số ít người nổi tiếng, có uy tín lớn.
"Khi những người này xuất hiện, sẽ giúp cho khách hàng tin hơn và ra hành vi chốt đơn nhanh chóng hơn nhưng nó không đại diện cho đa số. Nếu môi giới được tin tưởng vì có mối quan hệ lâu năm, chỉ cần tiết lộ thông tin, họ cũng sẵn sàng đặt cọc ngay. Với những môi giới mới thì rất khó". Do vậy, bà cho rằng livetream sẽ có ích như một công cụ truyền thông marketing hơn là những kỳ vọng khác.
Dù vẫn cần thời gian để biết bán nhà đất trực tuyến có thể trở thành xu hướng dài hạn hay không nhưng những người như anh Minh cho rằng không nên chờ đợi.
"Nếu chờ hết dịch mới làm thì nhiều môi giới sẽ mất việc, thế nên dù chưa hiệu quả ngay, tôi vẫn nghĩ các bạn môi giới hay sàn bất động sản nên làm", anh nói.
Niềm tin của anh đến từ việc thói quen người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh trong thời gian qua. "Người ta có thể mua bất cứ thứ gì trên internet miễn là có thương hiệu được đảm bảo. Vì thế đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức cho những người đi tiên phong", anh nói.