Cần 'số hoá' ngành gỗ để hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD
(DNTO) - Xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, châu Âu. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 sẽ đạt giá trị trên 15,5 tỷ USD.
Những tín hiệu tích cực
Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, chiều 7/7, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết: Về lĩnh vực khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,8 triệu m3, bằng 32% kế hoạch năm 2021 và 114% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu lâm sản ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm Mỹ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể, Mỹ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng gần 23%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.
Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu lâm sản sẽ đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Nhập khẩu lâm sản ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 17% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giao thương trên thị trường, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu cho đến cuối năm 2021, đây là tín hiệu rất khả quan cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ...
Ngoài ra, về lĩnh vực phát triển rừng, 6 tháng đầu năm, các địa phương đã chuẩn bị được 658 triệu cây giống phục vụ trồng rừng, bằng 145% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng trồng được kiểm soát giống đạt 85%.
Trong 6 tháng đầu năm, đã công nhận 13 giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao. Diện tích rừng trồng mới tập trung là 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm trồng được 260.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm.
Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền đã thu được 1.431,7 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể nói, ngành lâm nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công tác phát triển rừng, giữ rừng, tăng độ che phủ hiện đang được thực hiện rất tốt, ổn định ở mức 42%.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cũng nêu rõ còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế của ngành. Cụ thể như, hoạt động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật.
Mặt khác, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày đúng vào mùa làm nương rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, có thiệt hại về rừng. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khô hạn, nắng nóng cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của một số địa phương.
Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, về xuất khẩu năm nay ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì những rào cản thương mại xuất hiện cũng là trở ngại mà ngành lâm nghiệp phải đối mặt.
Theo thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp phải đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, không để cháy rừng lớn xảy ra; coi trọng công tác phát triển rừng để từ đó mới tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến. Trong xuất khẩu, cần phải có sự chế biến sâu, đa đạng hơn để thu hút thị trường nước ngoài.
Đồng thời, cần xây dựng cụ thể các kịch bản để ứng phó kịp thời với tất cả các diễn biến phức tạp của thị trường, không để bị động, lúng túng.
Doanh nghiệp đẩy mạnh công nghệ số để hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm 2021 từ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần thiết lập kế hoạch sản xuất, xuất khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
"Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đứng thứ hai châu Á, kim ngạch tăng trưởng rất nhanh 16 - 17% mỗi năm. Tuy nhiên, phát triển càng nhanh thì rủi ro sẽ càng lớn, trong đó lớn nhất là rủi ro về thị trường bởi các quy định về truy xuất nguồn gốc hoặc chất lượng sản phẩm tại nhiều quốc gia rất nghiêm ngặt" - Thứ trưởng Nam nhận định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra, chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu và có thị trường bền vững. Theo đó, vấn đề nhập khẩu nguồn gốc gỗ phải được tuân thủ nghiêm ngặt và phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ phải hợp pháp. Cùng với đó, nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước.
"Về phía doanh nghiệp, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn. Thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy chúng ta mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp ở trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp" - Thứ trưởng Tuấn nêu rõ.
Ngoài cơ chế chung, Nhà nước cần có cơ chế rất cụ thể. Hiện, năng lực đầu tư của các doanh nghiệp ngành gỗ về tài chính, nguồn nhân lực có thể mở rộng rất nhanh, nhưng họ cần quỹ đất tạo thành các khu công nghiệp, gắn với logistics.
Cùng với đó là các vấn đề về giao thông, điện gắn với cảng biển. Phải có những ưu đãi về tiền thuê đất. Các doanh nghiệp không thể thuê đất để làm ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản với giá ngang với ngành công nghệ kỹ thuật cao. Phải có cơ chế ưu đãi từng bước.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết: Hiệp hội sẽ chủ động cung cấp thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao; đồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về quỹ đất, nguồn vốn cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chắc chắn ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ với thế mạnh và nội lực như hiện nay sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm nay và hướng tới con số 20 tỷ USD trong năm 2025 như Thủ tướng Chính phủ đề ra, xứng đáng với vai trò là ngành hàng mũi nhọn của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.