Ngân hàng cần làm gì trước 'khoảng hẫng' pháp lý về xử lý nợ xấu
(DNTO) - Từ khi ra đời Nghị quyết 42 được xem như “bảo kiếm” của các ngân hàng trong việc thu hồi nợ xấu.Tuy nhiên, còn khoảng 1 năm nữa, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực, trong khi văn bản pháp luật khác thay thế chưa có, khiến ngành ngân hàng thấp thỏm "đứng ngồi không yên".
Cần sửa đổi Thông tư 03 để tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 03. Nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Tiếp nữa, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ, nhưng lại không quy định cụ thể “Thời điểm thực hiện cơ cấu nợ”.
Thực tế, khách hàng vay vốn có nhiều kỳ trả nợ theo tháng/quý/6 tháng/12 tháng… Khi có khó khăn về dòng tiền trả nợ, khách hàng thường đề nghị cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ và để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cũng như giảm bớt thủ tục, ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ gần nhau.
Trong trường hợp này, thời điểm “Thực hiện cơ cấu nợ” sẽ được tính từ thời điểm nào: Thời điểm ngân hàng có phê duyệt/thông báo về việc đồng ý cơ cấu nợ; Thời điểm ký thỏa thuận sửa đổi hợp đồng tín dụng với khách hàng; hay thời điểm đến hạn của từng kỳ trả nợ được cơ cấu nợ?
Căn cứ phản ảnh của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét sửa đổi Thông tư 03, cho phép áp dụng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến 31/12/2021 như hiện nay.
Cụ thể hơn, đối với khách hàng tại tỉnh/thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa/cách ly, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng cơ chế: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Về vấn đề này, tại buổi Tọa đàm trực tuyến về "Tình hình thực hiện Thông tư 03" diễn ra hôm nay, 5/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị, cho phép khách hàng có khoản nợ đến hạn trong thời gian phong tỏa (gốc và/hoặc lãi) tạm hoãn việc trả nợ, dời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn này tới sau thời gian đáo hạn.
"Nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được dời tới sau thời gian phong tỏa. Không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ" - ông Hùng nói.
Việc thẩm định và thông báo về lịch trả nợ mới: Không áp dụng việc thẩm định về tình hình khách hàng để thực hiện hoãn trả nợ. Các tổ chức tín dụng được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng. Thông báo về lịch trả nợ mới sẽ được gửi đến khách hàng đầy đủ qua các kênh thông báo hiện tại như tin nhắn, email… Nếu khách hàng không muốn hoãn trả nợ, họ có thể thực hiện việc trả nợ như lịch thông thường mà không phát sinh thêm các phí trả nợ trước hạn.
Đại diện VNBA đề xuất, việc phân loại nợ đối với các khoản hoãn trả nợ không ghi nhận những khoản hoãn trả nợ này là cơ cấu nợ. Không thay đổi phân loại nợ của khách hàng sau khi thực hiện hoãn trả nợ.
"Nâng tầm" Nghị quyết 42 thành Luật Xử lý nợ xấu
Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro cũng như thông qua các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Từ khi ra đời, Nghị quyết 42 được xem như con "át chủ bài" của các ngân hàng và công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ xấu.
Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ…
Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực trong 5 năm, bắt đầu từ 15/8/2017 đến 15/8/2022. Theo đó, chỉ còn khoảng 1 năm nữa thì văn bản quan trọng liên quan đến xử lý nợ xấu này của giới ngân hàng sẽ hoàn thành "sứ mệnh" của mình.
Theo các chuyên gia pháp luật, thời gian để một dự thảo văn bản luật đến khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành có thể phải mất ít nhất 2 năm nữa. Theo đó, Nghị quyết 42 khi hết hiệu lực và Luật Xử lý nợ xấu chưa thể hoàn thành kịp thì giới ngân hàng cũng sẽ đối mặt với một bài toán khó về hành lang pháp lý trong xử lý nợ xấu.
Về vấn về này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.
"Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ, thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế" - ông Hùng nhận định
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI, tình huống xử lý cho việc lấp “khoảng trống” có thể có nhiều kịch bản. Kịch bản thứ nhất là có thể Quốc hội cho kéo dài Nghị quyết 42 thêm một thời gian nữa, ngoài ra, kịch bản nữa là khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì các ngân hàng sẽ phải xử lý nợ xấu theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đồng quan điểm, ông Hùng cho rằng, tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là rất cần thiết. Việc không ban hành luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm; hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém cũng sẽ kéo dài tiến trình.
"Ngân hàng Nhà nước nên kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc" - ông Hùng cho biết.
Theo đó, để công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ đạo Tòa án Nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng, hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42, tạo hành lang pháp lý giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.