Giải bài toán nợ xấu giúp ngân hàng tăng sức 'đề kháng'
(DNTO) - Mặc dù có nhiều lo ngại, song thực tế nợ xấu đã được kiểm soát khá tốt ở phần lớn các ngân hàng, cá biệt một số thành viên còn đang sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, điều này thể hiện 'sức khoẻ' của ngành ngân hàng ngày càng được củng cố hơn.
'Bức tranh' nợ xấu không quá ảm đạm
Với tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 thì lo ngại rủi ro nợ xấu với ngành ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 mới công bố của các nhà băng lại cho thấy một bức tranh không quá ảm đạm.
Nợ xấu vẫn được kiểm soát khá tốt ở phần lớn các ngân hàng, cá biệt một số ngân hàng còn đang sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng lên cao mức chưa từng có.
Techcombank là một ví dụ. Tính đến cuối tháng 6/2021, ngân hàng này đang có tổng cộng 1.119 tỷ đồng nợ xấu, giảm 13,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh, đạt tới 13% khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay chỉ còn ở mức 0,36%.
Một loạt các ngân hàng khác như BacABank, SCB và Vietcombank cũng sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức dưới 1%. Tại Kienlongbank, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi dự thu, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh xuống còn 1,43%, so với mức 5,42% hồi cuối năm 2020...
Đây là những con số khá khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Dù vậy, đây mới là nợ xấu nội bảng. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Không phủ nhận nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2021, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đến thời điểm này, nợ xấu chưa đáng lo ngại, bởi thời gian qua các ngân hàng cũng đã có kinh nghiệm, lường trước tình huống xấu đưa vào các kịch bản kinh doanh, nên đã có sự chuẩn bị qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng - 'của để dành' để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.
Nền tảng nào để 'ghìm nợ xấu?
Đánh giá về vấn đề này, tại tọa đàm 'Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021', được tổ chức mới đây, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, nợ xấu được 'ghìm' do sức đề kháng với rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều nhờ các tổ chức tín dụng đã nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt về vốn, qua đó hệ số an toàn vốn (CAR) tăng mạnh và đáp ứng chuẩn Basel 2.
"Các ngân hàng đã tập trung đầu tư công nghệ, kỹ thuật số, thanh toán online. Không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp cũng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn. Tiền trong tài khoản của doanh nghiệp nhiều hơn giúp tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn chi phí rẻ giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng", ông Khoa nhận định.
Ngoài ra, ông Khoa cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thay vào đó để tiền trong tài khoản phòng ngừa nhiều hơn. CASA tăng dẫn đến chi phí vốn giảm, hỗ trợ thu nhập từ lãi tăng. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi như thu phí bảo hiểm, bảo lãnh, thu xếp hợp vốn, giấy tờ có giá… cũng được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu hiệu quả những năm vừa qua đã tạo luân chuyển vốn, tăng lãi bất thường cho các ngân hàng. Thêm nữa, Thông tư 01 và Thông tư 03 đã góp phần giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng đã bắt đầu thanh toán cho nhau những khoản mua ngoại tệ khoảng vài tỷ USD tương ứng tiền đồng sẽ được bơm thêm vào hệ thống.
Đưa thêm khả năng 'ghìm' nợ xấu của các nhà băng, ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhìn nhận, sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, ngành ngân hàng đã đi qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu và hoạt động tốt trong 2 năm vừa qua nhờ vào 4 yếu tố chính.
Thứ nhất, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động tốt nhờ chính sách của Nhà nước can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thứ hai, trong 2 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan với GDP trên 6%, lạm phát và tỷ giá được duy trì ổn định giúp ngành ngân hàng hoạt động tốt.
Thứ ba, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản VAMC, giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng tốt hơn.
Cuối cùng, các ngân hàng đã mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu.
Đặc biệt, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết 'cục máu đông' tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2011-2013.
"Nghị quyết số 42 đã đi vào cuộc sống, giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng giải quyết được bài toán khó về nợ xấu", TS. Lực đánh giá.
Tuy nhiên, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn sau dịch, ông Lực cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về chiến lược phát triển ngành ngân hàng.
Trong bối cảnh hiện nay, hơn hết vẫn là mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế. Vì kinh tế tăng trưởng thì nợ xấu mới giảm được. Nền kinh tế hoạt động tốt và hiệu quả thì doanh nghiệp cũng làm ăn được, không có nợ xấu.
"Nghị quyết 42 cần phải đi kèm với chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, như vậy, mới giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh thì lúc đó doanh nghiệp mới làm ăn hiệu quả - không còn nỗi lo nợ xấu 'phình' lên", ông Lực nêu quan điểm.