Cần 'luật hoá' việc xử lí nợ xấu để hỗ trợ ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp
(DNTO) - Dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại khi nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Do đó cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu để giúp nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh.
"Bóng ma' nợ xấu ám ảnh trở lại
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Tại tọa đàm: “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm nay (23/6), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, đến cuối tháng 4/2021, đã có khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý, 66% trong đó là xử lý theo Nghị quyết 42. Mỗi tháng xử lý trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả của những năm trước khi có Nghị quyết 42.
“Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ”, ông Hùng nhận định.
Theo thống kê, tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.
“Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng”, ông Hùng cho biết.
Chia sẻ từ thực tiễn, ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB cho biết: Trước tác động của dịch Covid-19, SHB đã chủ động rà soát, phân loại khách hàng và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm quản lý và thu hồi nợ xấu.
Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ cũng không khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do cán bộ xử lý nợ gặp khó khi tiếp tục sử dụng phương thức đôn đốc thu nợ; việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án bị ngưng trệ do dịch bệnh… gây nên nợ quá hạn, nợ xấu.
Về khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên chia sẻ: Bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, đến nay vận tải hành khách, lượng xe khách hoạt động chỉ khoảng 20-30%, trên mỗi chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.
Cần luật hoá Nghị quyết 42 để xử lí "căn bệnh" nợ xấu
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV cho rằng, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết "cục máu đông" tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2011-2013.
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất 1-3%. Như vậy 97- 99% đối tượng vay vốn là các khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.
Nghị Quyết 42 trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các ngân hàng, giúp ý thức trả nợ của người dân tăng cao hơn. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 chỉ còn 1 năm nữa là hết giai đoạn thí điểm. Do đó, một trong những đề xuất được đưa ra là cần luật hóa nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ.
“Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Nếu không sớm được luật hóa, quá trình xử lý nợ sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang khiến khối nợ xấu có nguy cơ "phình lên", sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn” – TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai theo chức năng – nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ, làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.